Ngân hàng nào đang cho vay trả nợ tổ chức tín dụng khác với lãi suất 'sập sàn'?

Từ 1/9, loạt ngân hàng gia nhập làn sóng cho vay để trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06 với lãi suất cực kỳ ưu đãi, thấp nhất chỉ từ 5,6%.

Hiện nhiều ngân hàng công bố lãi suất cho vay để trả nợ ngân hàng khác ở mức khá thấp và kèm nhiều ưu đãi, thậm chí còn thấp hơn mặt bằng lãi suất huy động.

Cụ thể, VietinBank cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm như vay mua nhà, mua xe… 

Lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6%/năm (vay sản xuất kinh doanh) và chỉ từ 7,5% (vay tiêu dùng). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác, ân hạn nợ gốc 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Khách hàng có thể sử dụng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng khác như bất động sản/tiền mặt/số dư trên tài khoản tiền gửi/sổ/thẻ tiết kiệm/giấy tờ có giá… của khách hàng hoặc người thân để bảo đảm cho khoản vay.

Trước đó, Vietcombank là ngân hàng tiên phong áp dụng lãi suất cho vay để trả nợ ngân hàng khác ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm. Cụ thể mức lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Thời gian vay lên đến 30 năm nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Ngoài ra, khách hàng cũng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.

Một thành viên khác trong nhón Big4 là BIDV cũng áp dụng lãi suất cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 6%/năm. Cụ thể, đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng, lãi suất chỉ từ 6%/năm; hoặc từ 6,8%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn từ 12 tháng trở lên.

Ngân hàng cam kết mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo của phương án vay đối với khoản vay tại ngân hàng khác.

Đồng thời, thời gian ân hạn gốc 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay, thời hạn vay đến 30 năm, không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

ngan-hang-nao-dang-cho-vay-tra-no-to-chuc-tin-dung-khac-voi-lai-suat-sap-san-1694674465.jpg
Ảnh minh họa

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank cũng đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm.

Chương trình áp dụng khoản vay mua nhận chuyển nhượng bất động sản dự án đã có chứng nhận; khoản vay mua bất động sản chưa có giấy chứng nhận nhưng mua tại dự án có liên kết với Techcombank.

Yêu cầu dư nợ vay mua bất động sản tại ngân hàng khác từ 1 tỉ đồng trở lên, khoản vay không được hỗ trợ lãi suất và ân hạn gốc trong 12 tháng gần đây.

Nếu là hội viên Techcombank Private và Techcombank Priority, Techcombank còn giảm thêm 0,3% đến 1,2% lãi suất các kỳ tiếp theo.

Tương tự, ngân hàng MB đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng. Thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Khách hàng có thể sử dụng chính tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để đảm bảo cho khoản vay mới.

Hay như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang có mức lãi suất vay trả nợ ngân hàng khác cao nhất, từ 8%/năm trong 12 tháng đầu tiên, cùng nhiều ưu đãi như miễn phí thẩm định tài sản, hay hỗ trợ giải ngân nhanh...

Gần đây nhất là ngân hàng MSB triển khai chương trình chuyển khoản vay từ ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,8%/năm (lãi suất thuộc nhóm thấp nhất trong các ngân hàng cổ phần).

MSB cho phép khách hàng miễn trả gốc đến 24 tháng, thời gian vay lên tới 35 năm và chứng minh nguồn trả nợ thông qua tài sản tích lũy.

Dù lãi suất cho vay trả nợ TCTD khác có vẻ hấp dẫn nhưng khách hàng cũng lưu ý nhiều điều kiện và các khoản chi phí phát sinh. Cụ thể, khách hàng sẽ phải chịu một khoản phí phạt trả nợ trước hạn, thông thường từ 0,5 đến 2% hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào từng ngân hàng cho vay và được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu.

Ngoài ra, khách hàng cũng sẽ phải chịu trả một loạt các loại phí khác như: phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới,... 

Đó là chưa kể thời gian và chi phí để thực hiện các thủ tục chuyển tài sản đang thế chấp tại ngân hàng cũ sang thế chấp tại ngân hàng mới. 

Từ ngày 1/9, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý, trong đó có quy định ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống (mua nhà, xe)

Theo đó, cá nhân đã vay vốn trung và dài hạn để mua nhà, mua ô tô; doanh nghiệp vay vốn dài hạn để xây dựng dự án sẽ được vay tiền ngân hàng để trả nợ trước hạn cho ngân hàng khác.

Trước đây, tại Thông 39/2016/TT-NHNN, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Việc mở rộng đối tượng khách hàng cho vay để trả nợ tại TCTD khác sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm dòng vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có). Mặt khác quy định này sẽ thúc đẩy các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất cho vay để nâng cao sức cạnh tranh.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT