Ngân hàng Nhà nước có động thái mới hỗ trợ cho Vietnam Airlines

Khoản tái cấp vốn đối với Vietnam Airlines sẽ được gia hạn tự động 5 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 6 năm.

Ngày 22/07/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 42/2024/TT-NHNN về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - mã CK: HVN) vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, thông tư mới sửa đổi về gia hạn tái cấp vốn.

Theo thông tư cũ, Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.

Thông tư mới được sửa đổi thành Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 5 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 6 năm.

Trước đó, Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội cho phép NHNN được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay.

Thời gian gần đây, Vietnam Airlines đón nhận một số thông tin tích cực. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 11,3 triệu khách, tăng xấp xỉ 11% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hóa đạt gần 141.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 27,4% so với kế hoạch 2024.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Ngọc Hòa cho biết, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất Vietnam Airlines đạt mức cao nhờ sự kiên quyết đàm phán với các chủ nợ quốc tế và yếu tố thị trường thuận lợi. Vietnam Airlines cho biết, trong bối cảnh số tàu bay thiếu hụt khoảng 14% so với năm 2019, hãng đã triển khai nhiều chương trình, trong đó có cả bay đêm để giảm giá vé cho hành khách.

Trước đó, trong quý đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận khác đạt 3.672 tỷ đồng. Kết quả, hãng bay này báo lãi ròng đạt 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 103 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.

photo-1721720507843

Dù vậy, thực tế Vietnam Airlines vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn còn đang hiện hữu. 

Đều tiên là về mặt tài chính, tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Tại cuộc họp ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 6/2024, Vietnam Airlines cũng cho biết tình hình dòng tiền năm 2024 dự kiến rất khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán trong năm, đặc biệt là từ tháng 7/2024 khi các khoản vay tái cấp vốn bắt đầu đến hạn hoàn trả.

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, công ty kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch Covid-19. Ông Hòa chia sẻ rằng công ty đã có nhiều giải pháp để thực hiện điều này, trong đó có cả hỗ trợ từ Nhà Nước nhưng các giải pháp nội lực vẫn là quan trọng nhất. "Thời điểm khó khăn nhất của Vietnam Airlines và ngành hàng không Việt Nam đã qua. Bức tranh tài chính của công ty cũng ngày càng được cải thiện. Chúng tôi sẽ cân đối được thu cho vào năm nay", ông Đặng Ngọc Hòa khẳng định.

Không chỉ câu chuyện lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu, Vietnam Airlines vẫn còn có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt máy bay đến hết năm 2025. Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết việc thiếu hụt diễn ra khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và một nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, các máy bay đang sử dụng động cơ của Prad Whitney bị triệu hồi để kiểm tra.

Không chỉ các máy bay sử dụng động cơ Prad Whitney mà tàu bay khác cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên các hãng động cơ khác họ không triệu hồi máy bay để sửa chữa mà các tàu bay của họ bảo trì bảo dưỡng lâu hơn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cũng làm cho thời gian bảo dưỡng kéo dài. "Bình thường việc bảo trì, bảo dưỡng, theo dưỡng động cơ chỉ kéo dài khoảng 90 ngày nhưng nay có thể tăng lên đến 200 ngày", ông Lê Hồng Hà chia sẻ.

"Vietnam Airlines đang có 11 tàu Airbus320 và 2 tàu A350 đang phải nằm đất để đợi khắc phục các vấn đề liên quan đến động cơ. Hãng đang triển khao nhiều giải pháp đồng bộ nhưng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn khai thác tuyệt đối trong mọi tình huống”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ thêm.

Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT