Ngân hàng Nhà nước hút ròng 60.000 tỷ đồng trong 4 phiên liên tiếp

Trong phiên ngày 14/3 có 10 thành viên trúng thầu tín phiếu với lãi suất ở mức 1,4%/năm, kỳ hạn 28 ngày và khối lượng gần 15.000 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã hút ròng xấp xỉ 60.000 tỷ đồng trong 4 phiên liên tiếp từ 11-14/3.

Trong phiên 14/3, Ngân hàng Nhà nước đã hút thêm gần 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống, nâng tổng số tín phiếu đang lưu hành lên 60.000 tỷ đồng. Tất cả những lô tín phiếu trên đều có lãi suất 1,4%/năm.

Tổng cộng có 11 thành viên tham gia đấu thầu, trong đó có 10 thành viên trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở mức 1,4%/năm, kỳ hạn 28 ngày và khối lượng 14.999,7 tỷ đồng.

Trước đó, trong ngày 13/3, NHNN tiếp tục hút gần 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống. Tổng cộng có 13 thành viên tham gia đấu thầu, trong đó có 12 thành viên trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở mức 1,4%/năm, kỳ hạn 28 ngày và khối lượng 14.999,7 tỷ đồng.

Trong hai phiên giao dịch ngày 11 và 12/3, NHNN cũng hút gần 30.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu với cùng kỳ hạn và lãi suất tương tự như trong phiên 13/3.

ngan-hang-nha-nuoc-hut-rong-60-000-ty-dong-trong-4-phien-lien-tiep-1710419424.jpg
Ảnh minh họa

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, nhập khẩu gia tăng, chênh lệch giá vàng làm tăng nhu cầu về USD. Lãi suất huy động giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay cũng làm tăng nhu cầu tìm kiếm tài sản sinh lời khác, bao gồm USD, thay thế cho kênh tiết kiệm. Nhu cầu USD tăng đã khiến tiền đồng giảm giá.

Do đó, NHNN đã thực hiện hút ròng tín phiếu trên kênh thị trường mở từ đầu tuần 11/3, với mục tiêu giảm bớt thanh khoản hệ thống đang dư thừa trong ngắn hạn và hỗ trợ cho tỉ giá.

Tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do NHNN công bố ngày 14/3 ở mức 23.967 đồng, tăng 10 đồng so với hôm qua. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD đồng loạt đi ngang và giảm so với hai ngày trước đó.

Chẳng hạn, Vietcombank giữ nguyên giá mua 24.430 đồng, bán ra 24.800 đồng; Eximbank tiếp tục duy trì giá mua 24.410 đồng, bán ra 24.800 đồng...Đồng thời, giá USD trên thị trường tự do cũng giảm mạnh còn 25.300-25.500, trước đó giá USD trên thị trường tự do có thời điểm còn lên đến mức 25.700 đồng.

Động thái hút ròng của NHNN ở thời điểm hiện tại cũng là thông điệp của cơ quan này trong việc sẵn sàng can thiệp để tỉ giá không có biến động quá lớn. Thanh khoản thu hẹp cũng sẽ giúp lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, qua đó làm giảm chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đồng USD.

Tuy nhiên, giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, trong lần can thiệp này, động lực làm tăng tỷ giá chủ yếu đến từ các yếu tố trong nước như nhu cầu USD tăng cao do nhập khẩu phục hồi, hiện tượng giá vàng và Bitcoin phá đỉnh thúc đẩy nhu cầu USD tự do tăng cao. Đặc biệt, giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế khó loại trừ vàng lậu vào thị trường là nguyên nhân đẩy tỷ giá tự do tăng, tác động lên tỷ giá trong ngân hàng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT