Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

NHNN trình phương án tăng vốn cho Vietcombank và Agribank

Hà Thị Lưu Luyến

NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần và tăng vốn điều lệ cho Agribank.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2023 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo đó, cơ quan này cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt. Đồng thời trình Thủ tướng và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của Agribank.

Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo 3 ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 1/2023, vốn điều lệ của 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước hay còn gọi là Big4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180.400 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 7,3 triệu tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5,3 triệu tỷ đồng.

ngan-hang-nha-nuoc-trinh-phuong-an-tang-von-cho-vietcombank-va-agribank-2-1683253108.jpg
Vietcombank đang triển khai ba nội dung tăng vốn. Ảnh minh họa

Đối với Vietcombank, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua, lãnh đạo ngân hàng cho biết đang triển khai ba nội dung tăng vốn.

Một là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Đây là nội dung đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2022. Ngày 19/4, NHNN đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa phương án này sẽ hoàn thành.

Hai là phương án tăng vốn từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018. Phương án này đã được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023. Vốn điều lệ dự kiến tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng đang triển khai thủ tục với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Phương án thứ ba là phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, Vietcombank đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến trong năm 2023-2024.

Về phía Agribank, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ông Phạm Đức Ấn- Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết do vốn điều lệ thấp, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng. Hệ quả là năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

Do đó, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết để Agribank đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông.

Do đó, ông kiến nghị Chính phủ tạm ứng cấp vốn điều lệ cho ngân hàng 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023.

Ngày 25/4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng.

Vốn bổ sung cho ngân hàng này sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt là 6.753 tỷ đồng. Phần còn lại gần 10.350 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.

Vốn điều lệ của ngân hàng quốc doanh này đạt gần 34.330 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án nêu trên, vốn của Agribank sẽ tăng lên khoảng 51.430 tỷ đồng.

Lần gần nhất Agribank được Quốc hội đồng ý bổ sung vốn điều lệ là vào 2020, với mức tăng 3.500 tỷ đồng. Khoản tiền này bằng với lãi sau thuế mà ngân hàng nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng.

Hà Ly (t/h)