Ngân hàng tăng tốc giải ngân đầu năm: Không chỉ lãi suất thấp mà còn số hóa quy trình cho vay, giảm chi phí

Để hỗ trợ khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn, hệ thống ngân hàng đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, vừa hạ lãi suất, triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, vừa đẩy mạnh đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ, số hóa quy trình vay vốn, qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả bên đi vay lẫn bên cho vay.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm

Qua khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm của 28 ngân hàng thương mại trong nước những ngày đầu tháng 3/2024 cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đang được triển khai trong khoảng 3%/năm – 4,8%/năm. Phần lớn các ngân hàng đều thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất so với cùng kỳ tháng 1/2024 từ 0,1% – 0,5%/năm tùy kỳ hạn. Nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm sâu lãi suất huy động về mức dưới 4%/năm, cụ thể như: SHB, Eximbank, Sacombank, MSB, Techcombank, VPBank, SeABank, ACB, MB… Tại kỳ hạn 12 tháng, nhiều ngân hàng đều giảm so với thời điểm cuối năm 2023, dao động trong ngưỡng 5%/năm.

Theo Báo cáo chiến lược của SSI Research công bố mới đây, các chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất chính sách nữa vào năm 2024. Nguyên nhân là hoạt động kinh tế vẫn chưa quay trở lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng, chưa kể đến việc 2024 sẽ là năm đột phá cho kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Lãi suất huy động giảm giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, theo đó, lãi suất cho vay cũng giảm theo. Hiện lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,1 - 10,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm.


Ngân hàng tăng tốc giải ngân đầu năm: Không chỉ lãi suất thấp mà còn số hóa quy trình cho vay, giảm chi phí- Ảnh 1.

Lãi suất cho vay đang ở mặt bằng rất thấp

Việc điều chỉnh giảm lãi suất dành cho các khách hàng cùng các gói hỗ trợ tín dụng quy mô lớn đã, đang góp phần giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần tăng trưởng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng.

Đơn cử như từ đầu năm 2024, Vietcombank triển khai đồng loạt các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Lãi suất chỉ từ 5,3%/năm đối với các khoản vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn và lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay ưu đãi trong 6 tháng đầu chỉ từ 6,0%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng). Với các khoản vay trung - dài hạn, lãi suất ưu đãi là 6,3%/năm trong 6 tháng đầu.

SHB đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, Chương trình ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp quy mô 11 nghìn tỷ, Chương trình ưu đãi lãi suất USD cho doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu quy mô 50 triệu USD, với lãi suất đang được áp dụng là 6,63%/năm.

Đối với khách hàng cá nhân, SHB dành 18 nghìn tỷ dành cho khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu đời sống được ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,99%/năm, thời gian lên đến 25 năm.

Bên cạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, SHB còn chủ động cung cấp các giải pháp phi tài chính, hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra trong cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện tư vấn, đào tạo miễn phí tài chính doanh nghiệp, nhằm đảm bảo chiến lược phù hợp với giai đoạn hiện tại.

Trong hệ thống, SHB là ngân hàng tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay trực tuyến

Bên cạnh việc hạ lãi suất cùng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi quy mô lớn, các ngân hàng đẩy mạnh số hóa quy trình cho vay nhằm rút gọn thủ tục vay vốn từ tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt, giải ngân…, mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế.

Với sức mạnh vượt trội của chuyển đổi số, các ngân hàng đã cải tiến quy trình cho vay trở nên nhanh hơn, an toàn hơn. Khách hàng chỉ mất từ 2-5 phút là có thể nhận được kết quả phê duyệt khoản vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng hay mua bất động sản mà không vướng nhiều thủ tục giấy tờ.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đã có ít nhất 28 tổ chức tín dụng đã ứng dụng công nghệ vào việc cho vay. Như BIDV đã ứng dụng công nghệ từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay, đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay đối với khách hàng tổ chức và bán lẻ. Ngân hàng cũng đang hướng tới tăng cường tính tự động và ứng dụng thêm các công nghệ trong quy trình cấp tín dụng.

Vietcombank triển khai hệ thống hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay cho khách hàng bán buôn và bán lẻ. Ngoài ra, ngân hàng đang nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng.

Ngân hàng tăng tốc giải ngân đầu năm: Không chỉ lãi suất thấp mà còn số hóa quy trình cho vay, giảm chi phí- Ảnh 2.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay trực tuyến

Ở khối ngân hàng tư nhân, VPBank đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi và giải ngân trực tuyến đối với khách hàng doanh nghiệp; khách hàng cá nhân có thể vay mua xe ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút.

Còn tại SHB, nhà băng này đã đưa lên hàng loạt các sản phẩm được thực hiện end-to-end trên kênh online, như: Mở tài khoản eKYC, Thấu chi Online, Vay cầm cố sổ tiết kiệm, Mở thẻ tín dụng online phê duyệt trước… Các sản phẩm này được thực hiện 100% trên nền tảng số hóa của SHB và dễ dàng đăng ký chỉ chưa đầy 01 phút, mọi lúc – mọi nơi 24/7. SHB đang triển khai hệ thống RLOS vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển. Các hồ sơ vay của khách hàng sẽ được xử lý chính xác, thông suốt trên hệ thống RLOS trong thời gian nhanh nhất, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại ngân hàng.

Để tiếp tục thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, các ngân hàng đang tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng an toàn, hiệu quả và tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

H. Kim

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT