Ngành nghề hot đang khát nhân lực, kiếm 2 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học, luôn được làm bạn với mây trời

Đây là ngành nghề tăng trưởng nóng nhất trong năm qua so với bất kỳ mảng nào khác khi nhân viên không có kinh nghiệm cũng dễ dàng kiếm được 1,2 tỷ đồng/năm.

Nghề kiếm 2 tỷ đồng/năm không cần bằng đại học, luôn làm bạn với ‘mây trời’ và không được sợ độ cao - Ảnh 1.

Hàng tin Bloomberg cho hay với mức lương 80.000 USD/năm, tương đương gần 2 tỷ đồng mà không cần có bằng đại học, nghề nhân viên bảo trì turbine điện gió đang là mảng cực kỳ hấp dẫn.

Mặc dù không cần bằng cấp đại học nhưng các doanh nghiệp sẽ phải tốn công đào tạo thêm cho các nhân viên kỹ thuật này, đồng thời những lao động trên sẽ phải liên tục di chuyển qua nhiều nơi để làm việc, bất chấp thời tiết, không được sợ độ cao và phải mang bên mình bộ dụng cụ nặng 23kg lơ lửng giữa trời.

Khát nhân lực

Báo cáo của Bộ thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân viên bảo trì turbine điện gió sẽ tăng 45% trong 10 năm tới, nhanh hơn bất kỳ ngành nghề nào khác ở Mỹ khi chính phủ nước này thúc đẩy mảng năng lượng xanh.

"Nơi làm việc của chúng tôi cao đến hơn 91m so với mặt đất. Tôi thì chẳng bao giờ sợ độ cao nhưng ở môi trường như thế này thì bạn sẽ bị thử thách thật sự. Có những ngày trời gió to và bạn sẽ chẳng khác nào một con thuyền chơi vơi giữa đại dương cả", kỹ thuật viên Omar Rubalcava của hãng sản xuất turbine điện gió số 1 Đan Mạch Vestas Wind Systems A/S cho biết khi đang dẫn đầu đội 36 người bảo trì 129 turbine ở California-Mỹ.

Số liệu của Revelio Labs cho thấy lượng đăng tuyển kỹ thuật viên turbine gió tại Mỹ đã tăng gấp 6 lần kể từ năm 2018.

Bất chấp những khó khăn của ngành điện gió như chi phí xây dựng tăng cao, lãi suất cao cùng vô số khó khăn khác nhưng thị trường 16,4 tỷ USD này vẫn có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng lên đến 2 chữ số. Tất cả là nhờ chính sách hậu thuẫn từ chính quyền Washington cho mảng năng lượng sạch.

Nghề kiếm 2 tỷ đồng/năm không cần bằng đại học, luôn làm bạn với ‘mây trời’ và không được sợ độ cao - Ảnh 2.

Nghiên cứu của Wood Mackenzie cho thấy trong vòng 10 năm tới, Mỹ sẽ gia tăng thêm 120 GW điện gió trên đất liền (Onshore), đủ cung ứng cho 40 triệu hộ gia đình, từ mức tổng cộng 150 GW hiện nay.

Trong khi đó theo kế hoạch, chính quyền Washington đặt mục tiêu nâng tổng sản lượng điện gió ngoài khơi (Offshore) từ 0,04 GW hiện nay lên 30 GW vào năm 2030, qua đó đủ lượng điện cung ứng cho hơn 10 triệu hộ gia đình.

Chính điều này sẽ đảm bảo nhu cầu tuyển dụng của kỹ thuật viên điện gió trong thời gian tới không suy giảm.

Xin được nhắc là 44 bang của Mỹ hiện có đến 73.000 turbine điện gió cần được bảo trì, sửa chữa để vận hành và ngày càng nhiều dự án được lắp đặt thêm nhờ nguồn ngân sách hỗ trợ khổng lồ từ chính phủ.

Những cột turbine điện gió này có thể cao hơn cả tượng nữ thần tự do và có độ rộng ngang một sân vận động. Bình thường mỗi cột turbine này cần được bảo trì 2 lần mỗi năm, chưa kể đến việc phải kiểm tra và sửa chữa mỗi khi có vấn đề.

Hãng tin Bloomberg cho hay tập đoàn điện tái tạo nổi tiếng thế giới Vetas tuyển dụng khoảng 15.000 kỹ thuật viên trên toàn cầu mỗi năm để chăm sóc cho 56.000 turbine điện gió của họ ở 77 quốc gia. Riêng tại Mỹ, công ty này có khoảng 2.000 kỹ thuật viên và vẫn đang tuyển thêm.

Với mục tiêu mở rộng đội ngũ tại Mỹ, Vetas cho biết sẽ tuyển thêm 800 nhân viên trong năm nay và 1.400 người nữa vào năm tới.

Lương cao

Theo Bloomberg, kỹ thuật viên điện gió mới vào nghề sẽ kiếm được khoảng 21-27 USD/giờ mặc dù chẳng cần bằng đại học, tương đương 50.000 USD/năm (1,2 tỷ đồng) nếu làm 50 tiếng mỗi tuần. Trường hợp nhân viên chấp nhận làm thêm giờ và chịu di chuyển qua các bang thì có thể kiếm thêm ít nhất 30.000 USD nữa, khiến tổng cộng các kỹ thuật viên này có thể kiếm đến hơn 80.000 USD/năm.

Việc học nghề cũng không quá khó khi cần theo lớp đào tạo khoảng vài tuần, tiếp đó là đi thực tập thực tế để thi lấy bằng trong khoảng 9-14 tháng.

Nghề kiếm 2 tỷ đồng/năm không cần bằng đại học, luôn làm bạn với ‘mây trời’ và không được sợ độ cao - Ảnh 3.

Chương trình đào tạo sẽ bao gồm cả việc leo lên các cột turbine cao, nhưng nhìn chung các khóa đào tạo này sẽ dạy nhân viên quy trình an toàn, cứu hộ để ngăn chặn những cú ngã nguy hiểm.

Các lao động từ ngành dầu mỏ hay than đá có thể nhận được ưu thế lớn hơn do đã có kinh nghiệm làm với thiết bị điện hoặc thủy lực, tuy nhiên người mới cũng có thể được đào tạo lại.

Thậm chí một số dự án turbine gió hiện nay có công nghệ tiên tiến đến mức bao gồm cả hệ thống dây có động cơ, giúp kỹ thuật viên dễ dàng leo tháp hơn.

Trên thực tế, nghề kỹ thuật viên này còn khá sơ khai vào đầu thập niên 2000 khi chưa có nhiều quy trình đào tạo.

"Chúng tôi gặp người tuyển dụng, qua vòng phỏng vấn nhanh và ngay lập tức leo cột turbine để làm việc. Thế nhưng quá trình tuyển dụng ngày nay đã khác", anh Chad Harrison, một kỹ thuật viên vào nghề từ năm 2004 và đã từng làm công nhân xây dựng cho hay.

Hiện anh Harrison đã 46 tuổi và không còn leo tháp nhiều nữa vì mắc bệnh ở đầu gối. Người đàn ông này chuyển qua phụ trách mảng dịch vụ bảo trì của hãng sản xuất turbine điện gió Goldwind Americas, đồng thời chịu trách nhiệm tuyển dụng kỹ thuật viên mới.

Bản thân anh Harrison thường xuyên đến các hội chợ việc làm và trường cấp 3 để nói về công việc béo bở này vì nhu cầu thị trường đang lên cao.

Thách thức

Dù lương cao và khát nhân lực nhưng nghề kỹ thuật viên này đòi hỏi người lao động phải có thần kinh thép. Bên cạnh việc không sợ độ cao, bất chấp thời tiết mưa gió lơ lửng giữa trời, những nhân viên này còn phải đối mặt với các trục trặc kỹ thuật khó lòng tìm ra.

"Một chiếc turbine hỏng có thể do hàng nghìn lỗi khác nhau xét về quy mô của mỗi dự án điện gió. Đó có thể là do dây điện lỏng hay ổ trục bị kẹt và bạn sẽ phải mất hàng tiếng đồng hồ, thậm chí vài ngày để tìm nguyên nhân và sửa chữa", cựu kỹ thuật viên Neal Gyngard của TCGM cho biết.

Nghề kiếm 2 tỷ đồng/năm không cần bằng đại học, luôn làm bạn với ‘mây trời’ và không được sợ độ cao - Ảnh 4.

Nghề kỹ thuật viên turbine điện gió tăng trưởng mạnh nhất tại Mỹ so với các ngành khác

Bên cạnh đó, việc nhiều dự án điện gió bị hoãn giữa chừng cũng khiến uy tín của ngành chịu ảnh hưởng. Ví dụ như dự án điện gió ngoài khơi Ocean Wind 1 của Orsted tại New Jersey-Mỹ bất ngờ bị hủy vào tháng 10/2023 đã khiến các lớp đào tạo kỹ thuật viên được tổ chức trước đó trở thành "trò đùa".

Bất chấp điều đó, chuyên gia phân tích Atin Jain của BloombergNEF nhận định lượng tuyển dụng kỹ thuật viên trong ngành này sẽ chẳng dừng lại khi xu thế chung cho thấy Mỹ sẽ tăng cường đầu tư ngân sách cho năng lượng xanh.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT