Nghịch lý thanh khoản 'đi lùi', lượng tiền gửi tại công ty chứng khoán vẫn lên cao nhất 7 quý

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường liên tục lùi về đáy thì thống kê số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỷ đồng. Con số này đã tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với đầu năm và là mức cao nhất 7 quý qua.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2023, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD). Trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý.

Đây là quý thứ 3 liên tiếp lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK ghi nhận tăng trưởng so với quý trước đồng thời là mức cao nhất trong vòng 7 quý trở lại đây. So với cuối quý III, con số đã tăng khoảng 6.000 tỷ đồng và tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Công ty chứng khoán dẫn đầu về số dư tiền gửi khách hàng không phải cái tên nào xa lạ chính là VPS với gần 16.600 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2023. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi VPS vẫn là CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên toàn thị trường với khoảng 1/5 thị phần sàn HoSE và khoảng 1/4 thị phần sàn HNX, UPCoM và chiếm 2/3 thị phần thị trường phái sinh. Đáng nói, dù vẫn là quán quân nhưng lượng tiền gửi tại VPS bất ngờ sụt giảm gần 3.100 tỷ đồng so với cuối quý III, sau hai quý liền trước tăng mạnh.

Xếp thứ hai về lượng tiền gửi khách hàng là VNDirect với 6.400 tỷ đồng. Tương tự như VPS, tiền gửi của nhà đầu tư tại VNDirect ghi nhận giảm hơn 400 tỷ đồng. Đứng thứ ba là TCBS với số dư tiền gửi của nhà đầu tư đạt 5.800 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng qua đó trở thành mức tăng mạnh nhất ngành. 

Đứng thứ tư là Chứng khoán SSI ghi nhận mức tiền gửi của nhà đầu tư tăng 440 tỷ đồng sau một quý, lên mức gần 5.300 tỷ đồng vào thời điểm 31//12/2023, đây cũng là mức cao nhất kể từ quý II/2022.

nghich-ly-thanh-khoan-di-lui-luong-tien-gui-tai-cong-ty-chung-khoan-van-len-cao-nhat-7-quy-1706001466.jpg
Số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỷ đồng.

Những cái tên còn lại trong top đầu cũng đều ghi nhận tăng trưởng như: BSC tăng hơn 1.400 tỷ tiền lên gần 2.900 tỷ đồng; VCBS tăng hơn 1.100 tỷ đồng lên mức 4.800 tỷ đồng; tương tự SHS ghi nhận gần 2.200 tỷ tiền gửi của nhà đầu tư, tăng hơn 1.100 tỷ đồng sau 3 tháng.

Trong nhóm "đi lùi", ngoài VPS và VNDirect còn có FPTS, KIS, KBSV và BVSC là những công ty chứng khoán ghi nhận tiền gửi của nhà đầu tư thấp hơn quý trước.

Không chỉ lượng tiền gửi của nhà đầu tư "chảy về" công ty chứng khoán gia tăng mà nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính cũng được đẩy mạnh. Thống kê dư nợ cho vay tại các CTCK vào thời điểm cuối quý IV/2023 ước tính lên đến 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ so với cuối quý III. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 172.000 tỷ đồng, cũng tăng 13.000 tỷ trong ba tháng cuối năm.

Đáng nói, số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư và dư nợ margin tăng mạnh trong bối cảnh lượng tài khoản chứng khoán ghi nhận sụt giảm thê thảm trong những tháng cuối năm. 

Đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, giảm ròng hơn 530.000 tài khoản so với đầu quý IV. Cần biết rằng, lượng tài khoản biến mất thực tế có thể lớn hơn bởi những sai số về hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán. 

Dù hàng tháng vẫn có hàng trăm nghìn tài khoản được mở mới nhưng chưa thể phản ánh chính xác mức độ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều CTCK nhờ thủ tục dễ dàng.

Thêm một nghịch lý khác là lượng tiền dự trữ của nhà đầu tư dồi dào nhưng thanh khoản thị trường liên tục về đáy trong những tháng cuối năm. Từ đầu quý III/2023 giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE đã xuống ngưỡng 13.000-15.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn thanh khoản bùng nổ tháng 7-9/2023 với nhiều phiên đạt ngưỡng tỷ USD.

Sang đến đầu tháng 1/2024, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều, chỉ quanh ở mức 15.000-17.000 tỷ đồng/phiên.

Một số chuyên gia nhận định, lượng tiền khổng lồ nằm chờ trên tài khoản chứng khoán cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi thị trường có tín hiệu để mua lại, và không rút tiền đi gửi các kênh đầu tư khác.

Hiện tượng thanh khoản giảm cũng được một số chuyên gia cho rằng, do kho cổ phiếu lớn đang nằm im khi các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra. Bên cạnh đó, sức ép tài chính cận tết Nguyên đán cũng có thể là nguyên nhân khiến nhà đầu tư rút một phần tài sản trên thị trường và bảo toàn những gì đang có để chờ nhập cuộc sau dịp nghỉ Tết.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT