Nghiên cứu thí điểm một số chính sách phát triển nhà ở xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng chính phủ giao cho nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính cho phát triển nhà ở xã hội nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

nha-1667692664535986655919-0-0-531-850-crop-16676926723181627229614-1680502038.jpg
Thủ tướng giao các bộ ngành nghiên cứu thí điểm một số chính sách phát triển nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023 tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan, khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành tập trung, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, không đùn đẩy để giải quyết, tháo gỡ; báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ hàng quý, bắt đầu từ quý II năm 2023. Các nhiệm vụ được đề ra bao gồm:

Thứ nhất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, công bố quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.

Thứ hai, rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.

Thứ ba, quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hôi, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…

Thứ tư, dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp và khu kinh tế theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Thủ tướng giao Bộ xây dựng, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó đặc biệt đẩy mạnh: Nghiên cứu xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" vào kỳ họp tháng 5 năm 2023; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ xem xét ban hành "Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư" theo quy trình rút gọn trong tháng 4 năm 2023.

Trước hết, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản.

Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở xã hội nói riêng và thị trường bất động sản nói chung, nhất là nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình, người có nhu cầu ở thật.

Ngoài ra, Thủ tướng giao các bộ, ngành chủ động, kịp thời, tích cực giải quyết đúng tiến độ, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn và chống tiêu cực, tham nhũng đối với các vướng mắc, các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT