Ngỡ ngàng "tỷ số đối đầu" giữa chứng khoán Việt Nam và các kỳ Euro, World Cup

Các ngày hội bóng đá lớn như World Cup, Euro đem đến sự háo hức cho người hâm mộ trên khắp thế giới nhưng không phải lúc nào NĐT chứng khoán Việt Nam cũng được hưởng trọn niềm vui trong thời gian diễn ra giải đấu.

Ngỡ ngàng "tỷ số đối đầu" giữa chứng khoán Việt Nam và các kỳ Euro, World Cup- Ảnh 1.

Vòng chung kết Euro 2024 bắt đầu khởi tranh từ ngày 14/6 đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ, trong đó có không ít nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Ngay trước thềm khai mạc giải đấu, bữa tiệc bóng đá của các chứng sỹ đã có phần kém vui khi VN-Index có phiên giảm mạnh nhất Châu Á vào thứ Sáu tuần trước.

Nhìn lại quá khứ, khoảng thời gian diễn ra các ngày hội bóng đá lớn của thế giới cũng thường không mấy vui vẻ với chứng sỹ Việt Nam. Từ khi đi vào hoạt động tháng 7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tổng cộng 11 VCK World Cup và Euro nhưng đang "thua" với tỷ số 4-7, tương ứng xác suất giảm điểm lên đến gần 64%.

photo-1718537265232

Với Euro, chứng khoán Việt Nam vẫn đang thua 3/5 kỳ gần nhất nhưng mức độ giảm điểm khá nhẹ nhàng. Lần giảm mạnh nhất của VN-Index trong các kỳ Euro là vào năm 2012 khi VCK được đồng tổ chức bởi Ba Lan và Ukraine, chỉ số mất 2,4%. Trong khi đó, tại kỳ Euro gần nhất diễ ra tại 11 quốc gia Châu Âu, VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,34%. Đây cũng là kỳ Euro đặc biệt nhất trong lịch sử khi diễn ra vào năm lẻ chứ không phải năm chẵn như thường lệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid.

Chiều ngược lại, 2 lần chứng khoán Việt Nam tăng khá mạnh trong các kỳ Euro. Trong đó, Euro 2016 tại Pháp là ngày hội bóng đá mang lại niềm vui lớn nhất cho "chứng sỹ" tại Việt Nam khi VN-Index tăng gần 4,6%. Mức tăng của chỉ số trong thời gian diễn ra Euro 2008 tại Áo và Thuỵ Sỹ cũng là gần 3,6%.

Với World Cup, chứng khoán Việt Nam có "hiệu số đối đầu" tệ hơn khi VN-Index giảm 4/6 lần ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới diễn ra. Không chỉ thua nhiều mà còn hay thua đậm, VN-Index thậm chí còn mất hơn 11% trong kỳ World Cup gần nhất tại Nga năm 2018. Trước đó, chỉ số cũng đã giảm hơn 7% trong một tháng "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" với mùa World Cup 2006 tại Đức.

Mặt khác, lần chiến thắng áp đảo nhất của chứng khoán Việt Nam là vào World Cup 2022 diễn ra ở Qatar khi VN-Index tăng đến 8,6%. Đây là ngày hội bóng đá đặc biệt nhất từ trước đến nay khi diễn ra vào mùa đông (từ ngày 20/11-18/12/2022) thay vì những mùa hè rực lửa. Khoảng thời gian này cũng trùng với giai đoạn thị trường hồi phục sau khi đã trượt dài về đáy dài hạn trước đó.

Không dễ rút ngắn tỷ số

Nếu VN-Index tăng điểm trong thời gian diễn ra Euro 2024, chứng khoán Việt Nam sẽ rút ngắn tỷ số khi "đối đầu" với các ngày hội bóng đá lớn của thế giới. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng khi VN-Index đang gặp khó trước vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ sau mùa ĐHĐCĐ thường niên.

Bên cạnh đó, áp lực bán ròng không ngớt từ khối ngoại cũng tác động đến tâm lý thị trường. Từ đầu tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 7.000 tỷ đồng trên HoSE sau khi "xả hàng" kỷ lục trong tháng 5 trước đó. Tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm 2024 lên đến hơn 42.500 tỷ đồng.

photo-1718509782228

Một phần nguồn cung đến iShares MSCI Frontier and Select EM ETF khi BlackRock thông báo sẽ thanh lý quỹ. Trước thông báo dừng hoạt động, quỹ ETF ngoại này có quy mô khoảng hơn 400 triệu USD trong đó cổ phiếu Việt Nam chiến tỷ trọng lớn nhất khoảng 28%. Tuy nhiên, đến ngày 13/6, cổ phiếu Việt Nam trong danh mục của quỹ chỉ còn khoảng 55 triệu USD.

Bên cạnh đó, Fubon FTSE Vietnam ETF cũng bị rút vốn mạnh gần đây với tổng giá trị rút ròng từ đầu năm là hơn 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, quỹ ETF này lại bất ngờ thông báo huy động vốn bổ sung đợt 6 là 5 tỷ TWD (~154 triệu USD), tương ứng có thể sẽ rót thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu Việt Nam. Thời gian cụ thể chưa được xác định.

Theo SGI Capital, khối ngoại bán ròng triền miên có thể đến từ lo ngại rủi ro tỷ giá khi nền lãi suất VND hạ thấp so với thế giới, thoái vốn một số nhóm cổ phiếu có rủi ro cục bộ cao, và ảnh hưởng từ xu hướng rút ròng chung khỏi nhóm các thị trường mới nổi… Quỹ đầu tư này nhận định xu hướng này hiện chưa có dấu hiệu kết thúc hoặc đảo chiều.

Trong bối cảnh áp lực bán ròng khối ngoại tăng kỷ lục, các đợt phát hành tăng vốn mới đang tăng tốc và cổ đông nội bộ tăng bán gần đây, thị trường cần dòng tiền nộp mới gia tăng mạnh để duy trì xu hướng tích cực một cách bền vững. Tuy nhiên, thanh khoản và dòng tiền có dấu hiệu suy yếu với tỷ lệ vay margin/vốn hóa cao kỷ lục.

Ngoài ra, SGI Capital còn cho rằng định giá chung không còn rẻ và nhóm doanh nghiệp phi tài chính đã vào vùng đắt. Các cân đối này đang cho thấy rủi ro tăng lên và mức độ hấp dẫn của thị trường giảm đi.

photo-1718509831580

Mặt khác, với kỳ vọng triển vọng tăng trưởng kinh tế quý 2 khả quan có thể lấn át bối cảnh không mấy thuận lợi của thị trường tiền tệ, đội ngũ phân tích của VDSC cho rằng nhà đầu tư vẫn có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp mà lợi nhuận có thể phục hồi dần theo quý, hoặc tăng trưởng theo năm trong các nhịp giằng co của thị trường trong tháng 6.

Đồng quan điểm, theo báo cáo chiến lược tháng 6 công bố mới đây, bộ phận phân tích của nhiều công ty chứng khoán như SSI, BSC, VNDirect, Yuanta Việt Nam… cũng có góc nhìn tương đối lạc quan về tình hình thị trường và đều nghiêng về kịch bản VN-Index duy trì xu hướng tăng, tiến lên trên vùng 1.300 điểm.

Hà Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT