Người bán hàng online nợ thuế có thể bị cấm xuất cảnh, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng

Cơ quan thuế dự kiến sẽ cưỡng chế người bán hàng qua thương mại điện tử chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế bằng biện pháp cấm xuất cảnh, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổng cục Thuế vừa tổ chức cuộc họp để trao đổi, thảo luận về kế hoạch triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp cụ thể chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhận định, sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của thương mại điện tử trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế. Đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.

nguoi-ban-hang-online-no-thue-co-the-bi-cam-xuat-canh-cong-khai-tren-cac-phuong-tien-thong-tin-dai-chung-antt-1708949473.png
Ảnh minh họa

Hiện người bán hàng online cần đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ kinh doanh online trên 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, cơ quan thuế không dễ quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh, dòng tiền.

Theo quy định hiện hành, những cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ thực hiện đóng phí môn bài 300.000 đồng đến 1 triệu đồng tuỳ thuộc doanh thu từ 100 triệu đồng  hay trên 500 triệu đồng.

Ngoài ra, các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, sàn TMĐT… còn nộp thuế thu nhập cá nhân 0,5%, thuế giá trị gia tăng 1% trên doanh thu. Nếu trốn tiền thuế từ 100 đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị phạt từ 100 - 500 triệu đồng, thậm chí bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Lãnh đạo ngành thuế khẳng định thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử. Danh sách những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng đó, cơ quan này sẽ cưỡng chế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ.

Các biện pháp này mấy năm qua đã được áp dụng với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, riêng với người bán hàng qua thương mại điện tử, cơ quan thuế chủ yếu tuyên truyền, khuyến khích, đôn đốc để các tổ chức, cá nhân kinh doanh và các bên thứ ba tự giác kê khai, nộp thuế.

Tính đến cuối năm 2023, có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế qua cổng thông tin thương mại điện tử. 

Tổng số thuế đã nộp hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó gần 6.900 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua cổng và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.

Trong năm 2023, số thu từ thương mại điện tử đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt 536,5 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan thuế tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.

Các nhà cung cấp nước ngoài chủ động đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế khoảng 6.896 tỷ đồng năm vừa qua. 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT