Người dân Bình Định đón tin vui ngay khi vừa sáp nhập
Tỉnh Bình Định (nay có tên gọi là tỉnh Gia Lai) sắp khởi công 38km cuối cùng của tuyến đường ven biển, dự kiến vào tháng 10/2025.
Dự án đường ven biển tỉnh Bình Định là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của địa phương, có tổng chiều dài hơn 115km.
Tuyến đường bắt đầu từ TP.Quy Nhơn, kéo dài qua các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… kết nối liên tục với hệ thống đường ven biển của Quảng Ngãi ở phía Bắc và Phú Yên ở phía Nam. Trong đó, khoảng 99km được đầu tư xây mới, phần còn lại tận dụng tuyến Quốc lộ 1D hiện hữu. Việc đầu tư tuyến đường trở thành tin vui với người dân Bình Định ngay vừa mới vận hành mô hình chính quyền mới.
Tính đến giữa năm 2025, đã có gần 39km đường ven biển hoàn thành và đưa vào sử dụng, gồm ba đoạn chính: đoạn Cát Tiến – Đề Gi, đoạn Đề Gi – Mỹ Thành và đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh.
Trong đó, điểm nhấn là cầu Đề Gi vượt biển dài gần 400m, không chỉ mang giá trị giao thông mà còn trở thành biểu tượng cảnh quan mới của vùng biển phía Bắc tỉnh. Tổng vốn đầu tư cho các đoạn hoàn thiện đến nay đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Việc khởi công 38km còn lại vào tháng 10 tới sẽ giúp Bình Định hoàn chỉnh toàn bộ tuyến ven biển quan trọng này. Phần tuyến mới dự kiến triển khai từ các huyện Phù Cát, Phù Mỹ kéo dài đến Hoài Nhơn, đi qua nhiều khu vực tiềm năng đang chờ được khai thác. Đây là những đoạn mang tính kết nối cao, đóng vai trò "mắt xích" để liên kết các đoạn đã hoàn thiện với toàn tuyến.
Theo UBND tỉnh Bình Định, nguồn vốn cho đoạn tuyến sắp khởi công sẽ đến từ vốn trung hạn và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Khi hoàn thiện, tuyến đường ven biển Bình Định sẽ có quy mô nền đường rộng 20–22m, mặt đường láng nhựa 4 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế đạt 80km/h.
Dự án không chỉ tạo điều kiện đi lại thuận tiện hơn giữa các khu vực mà còn mở ra kỳ vọng lớn về phát triển kinh tế biển, du lịch, bất động sản và kết nối liên vùng cho toàn tỉnh trong những năm tới.
Không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, tuyến đường còn mang ý nghĩa chiến lược về quốc phòng – an ninh, góp phần tăng khả năng cơ động, ứng cứu khi có thiên tai hoặc sự cố giao thông trên Quốc lộ 1. Trong tương lai gần, tuyến đường sẽ kết nối với cao tốc Bắc – Nam, sân bay Phù Cát, các cảng biển quốc tế tại Quy Nhơn và Phù Mỹ, hình thành hành lang phát triển toàn diện từ ven biển lên Tây Nguyên.
Dự án đường ven biển cũng là một phần trong kế hoạch tổng thể phát triển hạ tầng giai đoạn 2025–2030 của tỉnh Bình Định. Năm 2025, địa phương dự kiến khởi công 7 công trình giao thông trọng điểm với tổng vốn hơn 57.800 tỷ đồng. Trong đó tuyến đường ven biển là công trình then chốt. Ngoài ra, còn có các dự án lớn khác như nâng cấp sân bay Phù Cát, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, tuyến kết nối logistics từ các khu công nghiệp ra cảng biển...
Bên cạnh tuyến đường ven biển, Bình Định cũng đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng khác như: tuyến đường kết nối từ cao tốc Bắc - Nam đến Khu công nghiệp Hoài Mỹ, tuyến đường nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp, đô thị Becamex Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn, tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong, tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại...
Mới đây, HĐND tỉnh Bình Định thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định. Theo đó, hai tỉnh sáp nhập lấy tên là Gia Lai; Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Tiểu Bảo