Người đàn ông đứng đầu DN “chủ chốt” giúp bà Trương Mỹ Lan thâu tóm Ngân hàng SCB và gây thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, theo kết luận điều tra, CTCP Tài chính Việt Vĩnh Phú – thành viên thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bị can Tạ Chiêu Trung (nguyên Phó Chủ tịch ngân hàng SCB) là một trong 2 “mắt xích” quan trọng trong sự vụ thâu tóm SCB.

Được biết, ông Tạ Chiêu Trung sinh năm 1979, là Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Việt Vĩnh Phú (Việt Vĩnh Phú). Trong đó, Việt Vĩnh Phú được thành lập từ 2005, lúc bấy giờ ông Tạ Chiêu Trung làm vị trí kế toán. Đến năm 2023, trước khi sự vụ bị phanh phui, Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM và do ông Tạ Chiêu Trung làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Từ đầu năm 2006, thực hiện chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, Việt Vĩnh Phú bắt đầu mua lại cổ phần của các cổ đông ngân hàng SCB trước khi hợp nhất để trở thành cổ đông lớn. Đến trước thời điểm hợp nhất, Công ty Việt Vĩnh Phú và các cổ đông khác đứng tên thay cho bà Trương Mỹ Lan (do ông Tạ Chiêu Trung theo dõi) đã sở hữu trên 80% cổ phần SCB.

Đến năm 2010, ông Tạ Chiêu Trung được bà Trương Mỹ Lan bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Việt Vĩnh Phú, sau đó được giao nhiệm vụ quản lý theo dõi biến động cổ đông SCB và ngân hàng Tín Nghĩa.

Năm 2012, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB, Công ty Việt Vĩnh Phú do Tạ Chiêu Trung đại diện đứng tên sở hữu hơn 195,38 triệu cổ phiếu, chiếm 12,828% vốn SCB. Bà Trương Mỹ Lan giao ông Tạ Chiêu Trung quản lý, điều hành nhóm cổ đông đứng tên hộ để đảm bảo đúng tỷ lệ dưới 5% theo quy định và phải là người thân quen để không gây khó dễ.

Cáo trạng ghi nhận, từ năm 2005 đến khi bị bắt, ông Tạ Chiêu Trung đồng thời làm việc tại SCB (từ tháng 3/2014 đến tháng 4/2019) với các vị trí thành viên HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT.

Về hành vi phạm tội của ông Tạ Chiêu Trung:

+ Giai đoạn từ 27/6/2014 đến 19/10/2017: Ông Tạ Chiêu Trung đã ký quyết định cho 71 khách hàng vay 97 khoản có dư nợ tại SCB đến 17/10/2022 là 49.027 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 29.374 tỷ đồng và dư nợ lãi 19.653 tỷ đồng). Hành vi của ông Tạ Chiêu Trung đã gây thiệt hại cho SCB số tiền 37.407 tỷ đồng (đã trừ giá trị tài sản đảm bảo).

+ Giai đoạn từ 9/2/2018 đến 19/3/2018: Ông Tạ Chiêu Trung đã ký đồng ý cho 9 khách hàng vay 9 khoản có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 11.405 tỷ đồng (trong đó, dư nợ gốc 6.632 tỷ đồng và dư nợ lãi 4.773 tỷ đồng). Ông Tạ Chiêu Trung đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 4.400 tỷ đồng và gây thiệt hại cho SCB số tiền nợ lãi 4.773 tỷ đồng.

Cũng theo kết luận điều tra, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, sau khi thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có "quyền lực", Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan.

Trương Mỹ Lan thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm.

Bị can này cũng tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Tri Túc

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT