Người đàn ông mở sổ tiết kiệm 176 tỷ đồng, nhưng khi quay lại ngân hàng rút tiền, nhân viên thông báo: "Tài khoản của ông đã bị huỷ, số dư còn 0 đồng"

Người đàn ông Trung Quốc không khỏi bàng hoàn khi phát hiện 7 sổ tiết kiệm gần 48,4 triệu tệ (hơn 176 tỷ đồng) của mình là giả.

Ông Nhậm là một doanh nhân tại Nam Kinh, Trung Quốc. Năm ngoái, ông có dịp gặp lại một người bạn làm ăn cũ tên Lý – người này tới Nam Ninh công tác. Trong bữa rượu, ông Lý hứng khởi khoe: "Gần đây tôi làm ăn phát tài lắm, chỉ ngồi nhà mà tiền tự chảy vào túi". 

Ông Lý kể đã quen một nữ giám đốc ngân hàng họ Lương, và nhờ bà ấy mà mua được sản phẩm tài chính đặc biệt – lãi suất tới 3–4,8% mỗi tháng! Ông đã lần lượt gửi hơn 16 triệu tệ và đều nhận được lãi tháng từ 480.000–760.000 tệ.

Ông Nhậm nghe mà choáng váng. Hôm sau, ông lập tức liên hệ bà Lương. Dù trong lòng vẫn còn dè chừng, ông Nhậm cũng bị ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp của bà Lương và sự thân thuộc của nhân viên ngân hàng với bà. Văn phòng, tài liệu, thái độ đều rất "đáng tin".

Khi gặp mặt, ông hỏi: "Sản phẩm này lãi cao như vậy, có rủi ro gì không?" Bà Lương trấn an: "Đây là sản phẩm nội bộ, yêu cầu số tiền đầu tư phải từ 10 triệu tệ trở lên, không bán đại trà. Ông có may mắn vì được ông Lý giới thiệu."

Thế là ông quyết định tham gia – nạp 10 triệu tệ (khoảng 36,4 tỷ đồng), kỳ vọng lãi tháng hơn 300.000 tệ (hơn 1 tỷ đồng). Hai người hẹn gặp tại văn phòng để ký hợp đồng đầu tư. Hợp đồng có 3 bản, chi tiết đầy đủ, có cả đại diện doanh nghiệp "bên nhận đầu tư" tên Thời tham gia, đóng dấu niêm phong. Ông Nhậm thấy yên tâm.

Khi bà Lương nói cần giữ CMND, sổ tiết kiệm để làm thủ tục, ông có hơi nghi ngờ, nhưng bà trấn an rằng: "Ngân hàng lớn, có dịch vụ hỗ trợ VIP như vậy là bình thường."

Thế là ông đồng ý. Chưa hết, bà Lương còn nói nếu ông muốn giúp người thân đầu tư, thì có thể dùng chính tài khoản của mình để gửi thay. Vậy là ông giúp thêm vài người thân nữa gửi tiền qua tài khoản mình. Tổng cộng 7 lần gửi – lên tới 48,4 triệu tệ (hơn 176 tỷ đồng).

Sau 1 năm, ông Nhậm quyết định rút toàn bộ tiền đầu tư. Nhưng điều ông nhận được là thông báo: sổ tiết kiệm là giả, tiền không cánh mà bay, tài khoản bị hủy, bà Lương nghỉ phép dài hạn.

Ngân hàng từ chối trách nhiệm, tuyên bố đây là "giao dịch cá nhân" giữa ông Nhậm và bà Lương. Bức xúc, ông báo công an.

Cảnh sát nhanh chóng vào cuộc, phát hiện cả bà Lương và đại diện doanh nghiệp họ Thời đã "biến mất". Hóa ra, tất cả chỉ là một phi vụ lừa đảo được dàn dựng bài bản: Bà Lương là nhân viên ngân hàng thật, lợi dụng vị trí nghề nghiệp để tạo lòng tin, đóng vai trò chủ mưu còn ông Thời – giả danh đại diện doanh nghiệp, lo khâu giấy tờ, giả mạo sổ tiết kiệm.

Mỗi khi ông Nhậm mang tiền đến, bà Lương tiếp nhận, lấy chứng từ, rồi lập tức rút tiền ở chi nhánh khác và chuyển vào tài khoản của Thời. Thời dùng giấy tờ của ông Nhậm để lập sổ tiết kiệm giả, đóng dấu giả, rồi đưa lại cho ông Nhậm. Toàn bộ quá trình đều được camera ghi lại.

Viện kiểm sát Nam Ninh đã khởi tố bà Lương và ông Thời với các tội danh: trộm cắp, lừa đảo, làm giả giấy tờ tài chính. Tháng 11/2021, tòa tuyên án: bà Lương tù chung thân, phạt 3,2 triệu tệ, ông Thời 15 năm tù, phạt 280.000 tệ.

Tuy nhiên, 48,4 triệu tệ bị đã bị chia chác và không thể thu hồi.

Vụ việc này là lời cảnh tỉnh cho tất cả nhà đầu tư và người gửi tiền:

- Không có hình thức đầu tư "lãi cao, rủi ro thấp"

- Tuyệt đối không giao giấy tờ tùy thân và tài khoản cho cá nhân, kể cả nhân viên ngân hàng

- Chỉ thực hiện giao dịch qua kênh chính thức, có xác nhận hệ thống, sao kê rõ ràng

Về phía ngân hàng, việc một giám đốc chi nhánh lợi dụng vị trí để thực hiện lừa đảo với số tiền khổng lồ cho thấy lỗ hổng lớn trong quy trình kiểm soát nội bộ. Khi một tổ chức tài chính không thể bảo vệ chính khách hàng của mình, niềm tin bị đánh mất sẽ khó có thể lấy lại bằng bất kỳ mức lãi suất nào.

Theo Toutiao

Linh San


An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT