Người Đức mệt mỏi vì văn hóa ‘kỷ luật’: Mất 120 ngày cho một tờ giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp mất dần kiên nhẫn

Nền kinh tế Đức được dự đoán chỉ tăng trưởng chưa đến 0,2% trong năm nay và IMF cho rằng gánh nặng hành chính công là một trong những nguyên nhân chủ yếu.

Người Đức mệt mỏi vì văn hóa ‘kỷ luật’: Mất 120 ngày cho một tờ giấy phép kinh doanh, sự cứng nhắc trong hành chính công khiến doanh nghiệp mất dần kiên nhẫn - Ảnh 1.

Tờ New York Times (NYT) cho hay khi ông chủ Markus Wingens bổ nhiệm vị trí quản lý năng lượng cho nhà máy xử lý nhiệt kim loại của mình, mục đích ban đầu là để gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng cũng như thu hút khách hàng về quy trình kinh doanh bền vững của hãng.

Thế nhưng ông Wingens chẳng ngờ rằng vị trí này cuối cùng lại trở thành công việc bàn giấy khi người đảm nhiệm phải điền vô số thể loại giấy tờ theo luật định nhằm đảm bảo hãng Technotherm Heat Treatment Group của ông đạt các tiêu chuẩn về năng lượng bền vững.

Chỉ riêng trong năm 2023, Đức đã ban hành 4 luật mới và 14 sửa đổi với các quy định hiện hành cũng chính thức có hiệu lực, qua đó tạo nên cả một công việc đồ sộ về thủ tục giấy tờ cùng vô số những yêu cầu thu thập dữ liệu cho doanh nghiệp chỉ để điền vào báo cáo.

Thậm chí theo ông Wingens, nhiều thủ tục, tiêu chuẩn mới chẳng khác những tiêu chuẩn cũ mà hãng của ông đã đạt được từ năm 2012 là mấy.

Người Đức mệt mỏi vì văn hóa ‘kỷ luật’: Mất 120 ngày cho một tờ giấy phép kinh doanh, sự cứng nhắc trong hành chính công khiến doanh nghiệp mất dần kiên nhẫn - Ảnh 2.

Ông Markus Wingens

"Chúng tôi có Đạo luật năng lượng tái tạo (REA), Đạo luật hiệu quả năng lượng (EEA), Đạo luật tài chính năng lượng (EFA) và mỗi loại lại có cơ chế thủ tục hành chính riêng. Thật điên rồ", ông Wingens bức xúc.

Trên thực tế, câu chuyện của ông Wingens không hề cá biệt tại Đức, ngay cả mảng năng lượng xanh cũng không phải ngoại lệ.

Theo NYT, những người nông dân tại Liên minh Châu Âu (EU), đặc biệt là từ Ba Lan đến Bồ Đào Nha trong thời gian gần đây đã liên tục biểu tình đòi chính phủ dỡ bỏ các thủ tục rườm rà tiêu chuẩn kép.

Châu Âu muốn phát triển năng lượng xanh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường và nâng cao tiêu chuẩn, nhưng lại vẫn muốn giữ sản lượng nông nghiệp cao mà chẳng có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho nông dân.

Hậu quả là người nông dân ngày càng khó sống do bán nông sản không có lãi, gây ra hàng loạt cuộc biểu tình từ Pháp cho đến Đức.

Quay trở lại vấn đề, chính cơ chế hành chính cứng nhắc và quá nhiều thủ tục đang khiến từ người nông dân đến doanh nghiệp Đức cảm thấy khó thở. Đặc biệt là văn hóa kỷ luật của người Đức càng khiến câu chuyện làm thủ tục hành chính công trở thành cơn ác mộng với các doanh nghiệp.

120 ngày cho một tờ giấy phép

Tờ NYT nhận định Đức là một trong những nơi có áp lực thủ tục hành chính công nặng nề nhất thế giới. Nền kinh tế lớn nhất EU này được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng chưa đến 0,2% trong năm nay.

Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy việc có quá nhiều thủ tục hành chính công gây cản trở cho doanh nghiệp là một trong những yếu tố chính khiến nền kinh tế Đức khó bật tăng mạnh trở lại.

Ví dụ điển hình là một tờ giấy phép kinh doanh ở Đức phải tốn đến 120 ngày làm việc, cao gấp đôi so với mức bình quân tại các nền kinh tế Phương Tây.

Người Đức mệt mỏi vì văn hóa ‘kỷ luật’: Mất 120 ngày cho một tờ giấy phép kinh doanh, sự cứng nhắc trong hành chính công khiến doanh nghiệp mất dần kiên nhẫn - Ảnh 3.

Hành chính công của Đức cũng tụt hậu so với các thành viên EU khác về quy mô ứng dụng kỹ thuật số và vẫn phải dùng cách truyền thống làm thủ tục bằng giấy tờ.

"Các doanh nghiệp hiện nay đang phải dùng ngày càng nhiều nhân viên chỉ cho việc giải quyết thủ tục hành chính. Những con người tài năng này đáng lẽ ra có thể dùng để nâng cao hiệu suất kinh doanh thì lại đang phải điền báo cáo thống kê", Chủ tịch Claus Paal của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Stuttgart (SCCI), đồng thời là chủ một doanh nghiệp bao bì tại Đức than thở.

Tờ NYT cho hay bình quân các công ty Đức phải tốn 64 triệu giờ làm việc mỗi năm chỉ để điền báo cáo thống kê và làm thủ tục hành chính cho 375 loại giấy tờ.

Khi SCCI khảo sát 175.000 thành viên của mình về khó khăn lớn nhất khi kinh doanh hiện nay thì không phải là lạm phát, khó tiêu thụ sản phẩm hay thiếu vốn mà là thủ tục hành chính.

Thậm chí chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhận thức được vấn đề này: "Chúng ta đang có vấn đề khi chẳng doanh nghiệp nào có thể gánh được hết những thủ tục mà chúng ta đã tạo ra."

Hiện chính phủ Đức đang lên kế hoạch cải cách thủ tục hành chính công nhằm tiết kiệm cho doanh nghiệp lẫn người dân khoảng 3 tỷ Euro mỗi năm. Một số ví dụ cải cách như giảm thời gian lưu trữ tài liệu bắt buộc của doanh nghiệp bớt đi 2 năm, không yêu cầu du khách ở khách sạn phải điền các mẫu giấy tờ...

Xin được nhắc rằng những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đức đang là xương sống cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, nhưng chính các công ty này lại chịu tổn thương nhiều nhất chỉ vì hành chính công.

Với quy mô chưa đến 500 người nhưng doanh thu có thể lên đến 50 triệu Euro, tương đương 54 triệu USD, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đức này phải tốn nhiều nhân lực và nguồn lực hơn cho thủ tục hành chính, qua đó làm giảm đáng kể hiệu suất.

Khác với các tập đoàn lớn có hẳn phòng ban và đủ nhân lực để kiểm toán hay cung cấp số liệu cần thiết theo yêu cầu cho chính phủ, những công ty nhỏ trên chỉ có quy mô nhỏ nên sẽ tốn thời gian hơn cho việc thống kê.

Người Đức mệt mỏi vì văn hóa ‘kỷ luật’: Mất 120 ngày cho một tờ giấy phép kinh doanh, sự cứng nhắc trong hành chính công khiến doanh nghiệp mất dần kiên nhẫn - Ảnh 4.

Lãng phí

Giám đốc Andreas Schweikardt của Gebauer, một chuỗi siêu thị tại Baden-Württemberg- Đức thì hành chính công là gánh nặng gây lãng phí lương thực.

Ví dụ trước đây những nhân viên gian hàng thịt nguội sẽ lấy đồ sắp hết hạn để làm bánh sandwich và bán giảm giá. Thế nhưng khi quy định mới yêu cầu các siêu thị phải liệt kê chi tiết thành phần sản phẩm có hiệu lực thì giờ đây thay vì làm sandwich, các nhân viên chỉ còn cách vứt bỏ những miếng thịt sắp hết hạn.

Tại gian hàng đồ hải sản của siêu thị, nhân viên sẽ phải luôn chú ý nhằm đảm bảo tên các sinh vật được ghi đầy đủ bằng cả tiếng Đức lẫn tên tiếng Latin theo đúng quy định. Họ cũng phải kiểm tra nhiệt độ các chú cá cũng như nhiệt độ tỷ đông 2 lần mỗi ngày.

Tệ hơn, nhà sáng lập Michael Wirkner của một công ty quảng cáo ở Göppingen-Đức cho biết việc số hóa dịch vụ hành chính công cũng bị sa lầy bởi nạn quan liêu.

Hãng của Wirkner ký được thỏa thuận thiết lập hệ thống đăng ký trực tuyến hành chính công cho trường học của 20 quận. Thế nhưng để làm được điều này thì Wirkner cần có giấy chấp thuận của 5 quan chức phụ trách bảo vệ dữ liệu trong khu vực.

Mỗi quan chức lại có một cách giải thích riêng về quy định bảo mật dữ liệu tại EU. Có người thì nói rằng hãng của Wirkner được phép sử dụng công cụ từ Google, nhưng người khác thì không đồng ý.

"Chúng tôi đã phải tốn rất nhiều thời gian để nói chuyện với hàng trăm quan chức khác nhau chỉ để số hóa thủ tục hành chính công", ông Wirkner than thở.

"Chúng ta đang đánh mất phương hướng", ông Wirkner kết luận.

*Nguồn: NYT

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT