Người Mỹ vứt 68 triệu USD vào bãi rác mỗi năm: Chuyện nghề ‘đào vàng’ từ những đồng tiền bị lãng quên, chính phủ tốn 707 triệu USD để sản xuất nhưng bị coi là vô dụng
Chi phí sản xuất tiền xu tại Mỹ còn cao hơn giá trị đồng tiền, trong khi thẻ ngân hàng và thanh toán online đang biến chúng thành đồ vô dụng, có mất cũng chẳng ai thèm tìm.
Tại một cơ sở xử lý chất thải ở Morrisville, các công nhân đang vận hành thiết bị phân tách kim loại để tìm kiếm những đồng vứt đi của người Mỹ.
Số liệu của Reworld cho thấy bình quân người dân nền kinh tế số 1 thế giới vứt đến 68 triệu USD mỗi năm tiền xu, qua đó tạo nên một ngành công nghiệp "đào vàng" từ những bãi rác như trên.
Theo cơ sở xử lý chất thải ở Morrisville, họ đã tìm được ít nhất 10 triệu USD tiền xu trong 7 năm qua.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết đối với nhiều người Mỹ, tiền xu chẳng khác gì rác rưởi (Junk).
Hiện những dịch vụ từng phải dùng tiền xu như xe buýt, tiệm giặt là, trạm thu phí đỗ xe...đều chấp nhận thẻ tín dụng hoặc thanh toán trực tuyến, biến những đồng tiền xu trở thành gần như vô dụng.
Đồng tiền ‘rác rưởi’
Giờ đây tiền xu trở thành một loại tài sản vướng bận, dễ rơi mất và gây khó chịu cho người dân Mỹ đến mức chẳng đáng mang theo.
Thậm chí việc nhận lại tiền xu lẻ thối lại khi thanh toán cũng khiến nhiều người cảm thấy phiền phức, qua đó ưa thích dùng thẻ hay thanh toán trực tuyến hơn.
Tồi tệ hơn, những đồng xu Mỹ đang ngày càng mất giá về sức mua. Vào thập niên 1980, mỗi đồng xu trị giá 0,25 USD có sức mua thời đó tương đương 1 USD hiện nay.
Thế nhưng giờ đây, sức mua của các đồng xu Mỹ chẳng còn lại bao nhiêu ngoài tác dụng làm tiền lẻ thối lại.
"Nếu bạn làm mất tờ 100 USD, bạn sẽ đi tìm nó. Nếu bạn mất tờ 20 USD, bạn cũng sẽ đi tìm nó. Nếu bạn mất một cuốn sách, bạn vẫn sẽ đi tìm nó. Thế nhưng nếu bạn mất vài đồng xu lẻ thì bạn sẽ chẳng kiếm nó làm gì cho mất công", giáo sư kinh tế Robert Whaples của trường Đại học Wake Forest cho hay.
Chính giáo sư Whaples đã nhiều lần lên tiếng đề nghị chính phủ Mỹ loại bỏ dần đồng xu vì chi phí sản xuất của chúng cao gấp 3 lần giá trị thực.
Cục đúc tiền xu Mỹ (US Mint) đã phải tốn 707 triệu USD năm 2023 chỉ để sản xuất tiền xu. Trong khi đó, nhiều nước như Canada, New Zealand và Australia đã loại bỏ đồng xu khỏi lưu thông.
Số liệu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy do khó tiêu dùng nên tiền xu lưu hành rất chậm trong nền kinh tế, nếu không muốn nói là hoàn toàn không lưu thông được mấy hiện nay trước sự trỗi dậy của công nghệ thanh toán trực tuyến.
Hơn một nửa số tiền xu tại Mỹ hiện đang nằm trong nhà của người dân mà chẳng được lưu thông, thậm chí có mất cũng chẳng ai thèm tìm.
Kết cục
Theo WSJ, tiền xu đang bị người dân Mỹ vứt bỏ vì vô dụng dần. Cục an ninh vận tải Mỹ (TSA) cho biết họ thu thập được hàng trăm nghìn USD tiền xu mỗi năm tại các sân bay và điều trớ trêu là người dân còn chẳng thèm tìm lại chúng.
Những hãng như Reworld bắt đầu thu thập tiền xu bị vứt đi từ năm 2017 sau khi nhận thấy người dân Mỹ không còn quan tâm đến loại đồng tiền vô dụng này nữa.
Tất nhiên để tối ưu hóa hiệu năng sử dụng của thiết bị khi xử lý rác thải, Reworld cũng thu hồi khoảng 550.000 tấn kim loại, từ lon soda cho đến chìa khóa hay đồ dùng bằng bạc tại các bãi rác.
Thông thường các cơ sở của Reworld sẽ phải mất đến 35 phút để làm sạch đống rác đã bị thiêu hủy, sau đó thiết bị và nhân công mới moi móc ra được những vật dụng kim loại có giá trị.
Do đã bị thiêu hủy qua nên nhiều đồng xu bị biến dạng khi được lấy ra. Tuy nhiên Reworld cho hay trong 10 triệu USD tiền xu họ phân loại được 7 năm qua thì khoảng 6 triệu USD tiền xu vẫn ở trong tình trạng sử dụng được.
Bình quân mỗi năm, Reworld phân loại được khoảng 500.000 đến 1 triệu USD tiền xu và chúng nghiễm nhiên trở thành nguồn thu khả dụng cho công ty xử lý rác thải này.
Vai trò duy nhất
Tất nhiên, tiền xu không phải hoàn toàn vô dụng trong nền kinh tế Mỹ khi vẫn được dùng làm tiền lẻ thối lại. Rất nhiều quầy thu ngân vẫn thu mua túi đựng tiền xu có giá trị 5-10 USD từ người dân để dùng cho việc thối tiền lẻ.
Ngoài ra, người dân cũng có thể mang tiền xu đến ngân hàng đổi khi chúng vẫn được chính phủ công nhận là tiền tệ, dù nhu cầu sử dụng không còn nhiều.
Tuy vậy, ngày càng nhiều ngân hàng Mỹ từ chối nhận tiền xu khi phải mất công đếm. Những tổ chức tài chính như Capital One và PNC đã loại bỏ máy đếm xu của họ khoảng một thập kỷ trước do lượng khách hàng sử dụng thấp.
Năm 2016, một số ngân hàng như TD Bank đã ngừng sử dụng máy đếm xu khi chúng đếm thiếu số tiền xu khách bỏ vào.
Giờ đây hãng vẫn còn sử dụng nhiều tiền xu nhất là Coinstar, vốn vận hành những máy bán hàng tự động trong các cửa hàng tạp hóa hay trạm xăng. Công ty cho biết họ đang vận hành khoảng 18.000 máy bán hàng tự động trên toàn nước Mỹ với hơn 800 tỷ tiền xu phải xử lý.
Thế nhưng với sự phát triển của thanh toán trực tuyến, ngay cả những chiếc máy bán hàng tự động giờ đây cũng bắt đầu tích hợp mã QR và thẻ ngân hàng để thanh toán, qua đó dần biến tiền xu thành đồ cổ.
Thật vậy, giờ đây tiền xu hầu như chỉ còn được những người chơi sưu tầm đồ cổ tìm kiếm, nhưng chỉ nhắm đến những đồng xu cũ, bị lỗi hoặc mang ý nghĩa đặc biệt.
Với những đồng xu thông thường, chúng chẳng khác gì một miếng kim loại phiền phức mà người dân nhận được mỗi khi thối lại tiền lẻ.
*Nguồn: WSJ