Nhà đầu tư nước ngoài có thể được giao dịch cổ phiếu không ký quỹ 100%

Thực hiện tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, UBCKNN đang lấy ý kiến về việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch không ký quỹ 100%.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây công bố thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Trong số các nội dung sửa đổi, bổ sung, một nội dung đáng chú ý hàng đầu liên quan tới giao dịch ký quỹ (margin) của nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2020/TTBTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán (Thông tư số 120/2020/TT-BTC).

nha-dau-tu-nuoc-ngoai-co-the-duoc-giao-dich-co-phieu-khong-ky-quy-100-1711000189.jpg
Giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là một rào cản trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Thứ nhất, bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 như sau: Giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt.

Công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng.

Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thực hiện ký quỹ bằng tiền và thanh toán đầy đủ đối với giao dịch mua chứng khoán.

Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền thanh toán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán đối với phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh, ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này. Công ty chứng khoán thực hiện bán chứng khoán ngay khi chứng khoán về tài khoản tự doanh của mình. Chênh lệch phát sinh từ việc xử lý cho trường hợp này được thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng giữa công ty chứng khoán và khách hàng.

Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán số tiền thiếu hụt trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của khách hàng với công ty chứng khoán dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán.

Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền tạm ngừng dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Thứ hai, bổ sung Điều 35a vào sau Điều 35: Thanh toán giao dịch mua chứng khoán không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài

Cụ thể, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch mua chứng khoán của mình trước thời điểm thành viên lưu ký xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán với Tổng công ty 3 Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Việc bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán được thực hiện theo quy định pháp luật và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không có đủ tiền trong thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nghĩa vụ thanh toán giao dịch mua chứng khoán thiếu tiền của nhà đầu tư được chuyển thành nghĩa vụ thanh toán của công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh để bù trừ, thanh toán.

Thứ ba, bổ sung khoản 9 tại Điều 16 Công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền của khách hàng.

Theo quy định hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đều phải thực hiện ký quỹ 100% trước khi giao dịch. Đây chính là rào cản theo các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế mà thị trường Việt Nam cần giải quyết nếu muốn nâng hạng thị trường.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để đến năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế. Đây là mục tiêu đã được đề ra tại Quyết định số 1726 ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT