Nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới đang mạnh tay gom hàng từ Nga: Gấp rút thanh lý các hợp đồng với Mỹ, hơn 20 triệu tấn hàng bị đe dọa
Lượng nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga dự kiến đạt 38 tỷ mét khối vào năm 2025.

Trung Quốc – quốc gia dẫn đầu thế giới về nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) kể từ năm 2021 – hiện đang ghi nhận xu hướng sụt giảm kéo dài trong nhu cầu mặt hàng chiến lược này. Theo dữ liệu từ Kpler, lượng LNG nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2025 ước đạt 5 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp ghi nhận đà giảm. Trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu LNG của nước này giảm mạnh còn 20 triệu tấn, so với 29 triệu tấn cùng kỳ năm 2024. Tổng lượng nhập khẩu trong năm nay dự kiến giảm từ 6–11%, xuống còn khoảng 76,65 triệu tấn.
Diễn biến này gây bất ngờ cho thị trường toàn cầu bởi trước đó,Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng nhu cầu LNG cho đến năm 2035. Việc nước này bất ngờ chững lại đang làm thay đổi cán cân cung cầu tại châu Á và trên toàn thế giới.
Sự sụt giảm đến từ căng thẳng thương mại Trung – Mỹ leo thang khiến Trung Quốc ngừng nhập LNG từ Mỹ kể từ tháng 3/2025, sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế trừng phạt 125% lên hàng hóa Trung Quốc. Điều này buộc Bắc Kinh chuyển hướng sang các nhà cung cấp châu Á như Qatar và Indonesia.
Đáng chú ý, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga, Turkmenistan và Myanmar, đồng thời đẩy mạnh khai thác khí đốt trong nước. Năm 2023, khí đốt qua đường ống chiếm tới 41% tổng lượng nhập khẩu khí tự nhiên, với riêng Nga dự kiến nâng công suất đường ống Power of Siberia 1 lên 38 tỷ mét khối vào năm 2025. Một tuyến ống mới – Power of Siberia 2 – cũng đang được xúc tiến, có thể cung cấp thêm 50 tỷ mét khối mỗi năm.
Tác động từ việc Trung Quốc giảm nhập LNG đang lan rộng ra thị trường toàn cầu. Nguồn cung được giải phóng đang giảm bớt áp lực cho các quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ và châu Âu. Giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm từ đỉnh 16,5 USD/MMBTU hồi tháng 2 xuống còn 11 USD/MMBTU vào tháng 5/2025. Người mua Trung Quốc có xu hướng chuyển sang khí đốt qua đường ống hoặc nguồn cung trong nước khi giá vượt mốc 10 USD/MMBTU.
Đáng chú ý, việc dừng nhập LNG từ Mỹ đe dọa đến các hợp đồng dài hạn trị giá khoảng 20 triệu tấn mỗi năm giữa các nhà cung cấp Mỹ và người mua Trung Quốc. Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu bán lại các lô hàng LNG Mỹ cho châu Âu và tìm kiếm đối tác mới tại khu vực Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương.
Không chỉ LNG, thị trường dầu mỏ Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn. Năm 2024, tiêu thụ xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay của Trung Quốc đạt khoảng 8,1 triệu thùng/ngày – giảm so với năm 2021. Xu hướng chuyển sang xe điện, thị trường bất động sản yếu và tiêu dùng suy giảm đang gây sức ép lên nhu cầu nhiên liệu hóa thạch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Như Quỳnh