Nhân sự thời AI: Doanh nghiệp báo lãi nhưng vẫn layoff, Giám đốc truyền cảm hứng và hạnh phúc tại Anphabe nêu 5 bài học sinh tồn không thể bỏ qua
Theo Giám đốc truyền cảm hứng và hạnh phúc tại Anphabe, trong kỷ nguyên AI, nhân sự làm việc chăm chỉ hay trung thành với công ty chưa chắc đã đủ để đảm bảo sự an toàn nghề nghiệp.
Mặc dù đạt lợi nhuận cao kỷ lục trong quý gần nhất, Microsoft vẫn khiến thế giới ngỡ ngàng khi tuyên bố cắt giảm 3% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương khoảng 6.000 người. Điều gây chú ý hơn cả là việc những nhân sự kỳ cựu, thậm chí cả Giám đốc AI Gabriela de Queiroz, cũng nằm trong danh sách bị sa thải.
Chia sẻ quan điểm xoay quanh câu chuyện này, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc truyền cảm hứng và hạnh phúc tại Anphabe – đơn vị đối tác độc quyền của LinkedIn tại Việt Nam cho biết, đây là điều phản ánh một thực tế không thể đảo ngược: hiệu quả và khả năng thích nghi đang dần thay thế cho sự thâm niên và lòng trung thành ở môi trường làm việc hiện đại.
Bà Thanh cũng cho hay, không chỉ Microsoft, hàng loạt tập đoàn lớn như Google, Amazon, Meta và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới lẫn tại Việt Nam đang đồng loạt thực hiện chiến lược “right-sizing” – tức là tái cấu trúc tinh gọn nhằm thích ứng nhanh hơn với tốc độ phát triển của AI, tự động hóa và mô hình kinh doanh số.
Điều đáng lưu ý là làn sóng sa thải hiện nay không bắt nguồn từ việc thua lỗ tài chính mà chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tái định hình tổ chức cho phù hợp với tương lai. Trong đó, một xu hướng nổi bật là việc cắt giảm mạnh lớp quản lý cấp trung – những vị trí vốn tiêu tốn nhiều chi phí nhưng không còn mang lại giá trị tương xứng trong bối cảnh các hệ thống quản trị số và công nghệ AI có thể thay thế một phần vai trò kiểm soát và điều phối truyền thống.

Thực tế này chính là lời cảnh tỉnh nghiêm túc cho người lao động Việt Nam: làm việc chăm chỉ hay trung thành với công ty chưa chắc đã đủ để đảm bảo sự an toàn nghề nghiệp. Kể cả những người đang được xem là “ngôi sao nội bộ” cũng hoàn toàn có thể bị thay thế nếu kỹ năng của họ không còn phù hợp với nhu cầu tương lai.
Đặc biệt, những quản lý cấp trung nếu chỉ đơn thuần đóng vai trò truyền đạt thông tin, giám sát và báo cáo mà thiếu năng lực dẫn dắt đội nhóm, tối ưu hiệu suất và tạo giá trị chiến lược thì cũng rất dễ bị đào thải trong giai đoạn sàng lọc hiện nay.
Từ hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp về môi trường làm việc và phát triển nguồn nhân lực, bà Thanh Nguyễn đúc kết rằng người đi làm ngày nay cần có tư duy sinh tồn rõ ràng.
Trước hết, cần nhìn nhận lại vai trò công việc của mình như một thỏa thuận thương mại thay vì kỳ vọng vào sự bảo đảm dài lâu.
Thứ hai, phải tập trung phát triển những kỹ năng khó thay thế như tư duy hệ thống, năng lực lãnh đạo đội nhóm và khả năng ra quyết định trong bối cảnh bất định.
Thứ ba, không thể chỉ học để giỏi việc cũ mà phải chủ động cập nhật kiến thức công nghệ, hiểu AI và tăng cường khả năng phân tích dữ liệu để thích nghi với sự đổi mới liên tục.
Thứ tư, người lao động cần xây dựng thương hiệu cá nhân nội bộ, tạo được niềm tin bằng năng lực thực tế và khả năng kết nối – chứ không thể dựa vào thâm niên hay quan hệ.
Và cuối cùng, mở rộng mạng lưới bên ngoài, sẵn sàng với cơ hội mới và những mối quan hệ mới là điều tối cần thiết – bởi không ai biết chắc công việc hiện tại sẽ kéo dài bao lâu.
Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc truyền cảm hứng và hạnh phúc tại Anphabe cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc dịch chuyển tư duy từ “tìm kiếm sự ổn định” sang “xây dựng khả năng thích nghi bền vững”.
Trong thời đại biến động, chỉ khi trở thành người "không thể thiếu vì luôn phù hợp", người lao động mới có thể nắm quyền chủ động đối với tương lai sự nghiệp của mình.
“Sự dịch chuyển này không chỉ là yêu cầu bắt buộc đối với cá nhân mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp nếu muốn duy trì năng lực cạnh tranh và xây dựng môi trường làm việc bền vững trong kỷ nguyên AI”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ.
Kỳ Thư