Nhiều doanh nghiệp, cá nhân bị xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBCKNN do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

CIC39

Ngày 28/8/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 942/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần CIC39 (Số 45A, đường Nguyễn Văn Tiết, Phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Theo đó, CIC39 bị phạt tiền 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch đối với Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất Quý IV/2023.

Cụ thể, theo BCTC riêng Quý IV/2023, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty cổ phần CIC39 năm 2023 là 5.228.491.326 đồng; tuy nhiên, theo BCTC riêng kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty cổ phần CIC39 năm 2023 là âm 18.753.320.440 đồng. Theo BCTC hợp nhất Quý IV/2023, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty cổ phần CIC39 năm 2023 là 1.550.074.106 đồng, tuy nhiên, theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty cổ phần CIC39 là âm 26.982.148.276 đồng.

Chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam

Ngày 23/8/2024, UBCKNN ban hành Quyết định số 934/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam (Chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam, trụ sở chính: Tầng 8, Khối B Tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội).

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân bị xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Về xử phạt hành chính, doanh nghiệp này bị phạt 275 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) do Cung cấp các dịch vụ chứng khoán hoặc dịch vụ khác phải báo cáo UBCKNN trước khi thực hiện nhưng chưa báo cáo UBCKNN, khi chưa có ý kiến bằng văn bản của UBCKNN hoặc chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cụ thể, Chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam phối hợp với các cá nhân cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền giao dịch mua chứng khoán khi chưa báo cáo UBCKNN hoặc khi chưa có ý kiến bằng văn bản của UBCKNN hoặc chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Công ty cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán khi đang trong diện cảnh báo, chưa báo cáo hoặc có ý kiến bằng văn bản của UBCKNN.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị đình chỉ dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán có thời hạn 2 tháng, quy định tại khoản 7 Điều 24 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 20 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Thời hạn thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là 2 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt này có hiệu lực thi hành.

Nhà đầu tư cá nhân

Ngày 21/8/2024, UBCKNN ban hành Quyết định số 927/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Trần Thị Thu (địa chỉ: quận Ba Đình, TP.Hà Nội).

Theo quyết định này, bà Thu bị phạt tiền 137,5 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP).

Trước đó, ngày 5/11/2021, bà Trần Thị Thu đã thực hiện giao dịch mua 25.200 cổ phiếu TTZ của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Tiến Trung (MCK: TTZ) dẫn đến thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty mà bà Thu và chồng là ông Huỳnh Văn Quảng sở hữu lên 1.912.600 cổ phiếu TTZ, chiếm tỷ lệ 25,26%. Ngày 15/3/2022, bà Thu đã mua 17.400 cổ phiếu TTZ dẫn đến tổng số lượng cổ phiếu của bà Thu và người có liên quan là 1.901.700 cổ phiếu TTZ, chiếm tỷ lệ 25,1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của TTZ nhưng không đăng ký chào mua công khai với UBCKNN.

Ngoài ra, bà Thu còn bị phạt tiền 30 triệu đồng đối với hành vi báo cáo không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng; phạt 32,5 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Tổng số tiền phạt đối với bà Trần Thị Thu là 200 triệu đồng. Về biện pháp khắc phục hậu quả, nhà đầu tư cá nhân này bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm; bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT