Nhiều hộ kinh doanh vẫn đang "bỡ ngỡ" với quy định phải sử dụng hoá đơn điện tử từ 1/6

Từ ngày 1/6/2025, theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, tất cả hộ và cá nhân kinh doanh sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử; trong đó nhóm có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên bắt buộc dùng máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế...

Ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2025). Trong đó, một nội dung được rất nhiều hộ, cá nhân kinh doanh quan tâm là sự sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng hóa đơn điện tử (Điều 16); sửa đổi, bổ sung quy định hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền (Điều 11)...

Cụ thể, Nghị định mới bổ sung đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế. Điều này áp dụng với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cụ thể, có mức doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên và doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng; ăn uống, nhà hàng, khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác...

Trước thời điểm 1/6 tới, theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư số 78/2021/TT-BTC, việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế là không bắt buộc.

Nhiều hộ kinh doanh vẫn đang "bỡ ngỡ" với quy định phải sử dụng hoá đơn điện tử từ 1/6- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại hội thảo "Quy định về chế độ hóa đơn điện tử với hộ và cá nhân kinh doanh theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP" do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) và MISA tổ chức ngày 24/4, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, cả nước ước tính có khoảng 6 triệu hộ kinh doanh nhưng mới có 1,3 triệu hộ kê khai nộp thuế.

Theo Chủ tịch VTCA, Nghị định mới khuyến khích người tiêu dùng yêu cầu hóa đơn qua các chương trình khách hàng thân thiết và dự thưởng, đồng thời quy định rõ thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa xuất khẩu và các dịch vụ có số lượng lớn. Các hộ và cá nhân kinh doanh cũng sẽ được khuyến khích thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư 88/2021/TT-BTC, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và tuân thủ quy định thuế.

Đồng thời, để tạo thuận lợi cho các hộ, cá nhân kinh doanh trong việc xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế đối với từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, việc áp dụng các giải pháp công nghệ số là hết sức cần thiết.

Tại sự kiện này, bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội cho biết, qua chia sẻ, bà thấy nhiều hộ kinh doanh hiện vẫn chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ thuế theo quy định mới.

Theo bà Yến, nhiều người kinh doanh vẫn tiếp tục duy trì tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ, không muốn xuất hóa đơn, cũng như thiếu bộ phận kế toán chuyên trách. Họ cũng gặp khó khăn trong tiếp cận phần mềm hóa đơn điện tử, đặc biệt ở khu vực nông thôn và với người lớn tuổi.

Bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội.

Bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội.

Vị này thông tin, chỉ riêng Hà Nội có khoảng 7.000 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên; trong đó, riêng Quận Hoàn Kiếm chiếm tới 4.000 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, các hộ kinh doanh cá thể này cũng chỉ nghĩ việc buôn bán của mình là nhỏ lẻ, ngại đầu tư bộ máy vận hành hay giấy tờ hóa đơn nên cũng không để ý mà chủ yếu là “ghi sổ chợ”.

Vì vậy, bà Lê Thị Yến cho rằng, để chuẩn bị cho việc kết nối máy tính tiền và xuất hóa đơn điện tử, các hộ kinh doanh cần phải thay đổi tư duy, thích ứng với công tác thuế mới; rà soát số liệu tồn kho, công nợ, dòng tiền làm cơ sở số dư đầu kỳ để đưa vào hệ thống...

Còn theo ông Lê Hồng Quang - Tổng Giám đốc MISA, khi các hộ kinh doanh cá nhân sử dụng các giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; tích hợp quản lý bán hàng - hóa đơn - kế toán, sẽ có nhiều điểm lợi.

Trước hết, hộ kinh doanh sẽ chủ động trong giao dịch kinh doanh, xuất hóa đơn đúng thời điểm, thực hiện đầy đủ và chính xác nghĩa vụ thuế, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật.

Thứ ha, giúp các hộ kinh doanh có khả năng mở rộng kinh doanh, vì các doanh nghiệp đối tác khi mua hàng hoa cần hóa đơn minh bạch, còn với những hộ không đáp ứng được hóa đơn chứng từ minh bạch thì đối tác sẽ tìm đến đơn vị khác thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Thứ ba, theo dõi được hoạt động bán hàng. Bởi bản chất của việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là thực hiện chuyển đổi số, qua đó giúp được hộ kinh doanh biết được khung giờ nào bán nhiều, mặt hàng nào bán chạy, hàng tồn kho, lãi, lỗ ra sao…

Tuấn Việt

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT