Nhiều mã cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, xem xét hủy niêm yết bắt buộc
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới đây đã công bố nhiều quyết định đưa nhiều mã cổ phiếu vào diện cảnh báo do thua lỗ, thậm chí có mã có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Cổ phiếu BII sẽ được xem xét tiến hành hủy bỏ niêm yết bắt buộc
Sáng ngày 6/4/2023, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc cổ phiếu BII của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Công nghiệp Bảo Thư có khả năng bị hủy bỏ niêm yết theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, BII có thể bị hủy niêm yết theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, nguyên nhân do tổ chức kiểm toán (Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC) từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2022 của công ty này. Theo đó, tổ chức kiểm toán phát hiện ra sự tụt giảm mạnh trong lợi nhuận sau thuế của công ty tại Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 so với cùng kỳ, giảm lần lượt là 270,6% và 456,5%.
Phía BII giải thích do công ty không có khoản lợi nhuận nào đáng kể từ việc kinh doanh, đồng thời do trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác, dẫn đến khoản lỗ tại công ty mẹ.
Hàng loạt mã cổ phiếu sắp bị đưa vào diện cảnh báo
Bên cạnh đó, HNX cũng đã công bố quyết định đưa vào diện cảnh báo đối với các mã cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp.
Cụ thể, ngày 5/4/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư KTT (MCK: KTT, HNX) nhận quyết định bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm Yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Cụ thể do trong Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của tổ chức niêm yết âm 7,6 tỷ đồng, giảm gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của công ty này trong năm 2022 vừa qua đạt trên 900 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng mạnh, cao gấp 3,7 lần so với năm 2021, lên tới 25,8 tỷ đồng. Đồng thời, cộng thêm việc giá vốn tăng gấp đôi cùng kỳ, ở mức 886,5 tỷ đồng là những nguyên do lớn nhất dẫn đến sự tụt giảm nghiêm trọng về lợi nhuận của KTT.
Quyết định đưa vào diện cảnh báo đối với mã cổ phiếu KTT sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2023. Được biết trước đó mã KTT đã bị Chuyển sang diện hạn chế giao dịch từ 12/10/2022 do tổ chức niêm yết chậm nộp BCTC bán niên 2022 đã được soát xét quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Hai mã cổ phiếu khác là VNT của Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải Ngoại thương và SD6 của Công ty cổ phần Sông Đà 6 cũng nhận được quyết định bị đưa vào diện cảnh báo với cùng nguyên nhân với KTT, lần lượt có hiệu lực vào ngày 6/4 và 7/4.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNT năm 2022 âm 11 tỷ đồng, giảm gấp đôi so với cùng kỳ. Có thể thấy nguyên nhân là do các chỉ số đều giảm khá nhiều, đơn cử có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 741 tỷ đồng so với năm trước xuống còn 1.803 tỷ, lợi nhuận thuần giảm gần 23 tỷ xuống âm 1,3 tỷ đồng.
Tương tự, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của Sông Đà 6, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/112/2022 là số âm. Trước đó vào năm 2021, SD6 lỗ nặng 23,04 tỷ đồng, trong khi năm nay lợi nhuận chỉ đạt 77,6 triệu.
Ngoài ra, mã FID của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam cũng bị đưa vào diện cảnh báo. Lý do là bởi tổ chức kiểm toán (Công ty TNHH Hãng kiểm toán và Định giá ASCO) có ý kiến ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán của công ty này. Tổ chức kiểm toán phát hiện sự chênh lệch hơn 70% về mặt số liệu ở một vài mục. Cụ thể, giữa 2 năm 2021 và 2022 của công ty này, lần lượt doanh thu chênh đến 72% (140 tỷ và 38 tỷ đồng); lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lệch 86% (1,03 tỷ và 142 triệu đồng); lợi nhuận sau thuế giảm tận 93% (978 triệu xuống còn 63 triệu đồng).
Giải trình về ý kiến của tổ chức kiểm toán, công ty nêu rằng doanh thu và lợi nhuận giảm là do tình hình kinh doanh liên tục gặp nhiều khó khăn do các yếu tố như thời tiết, biến động thị trường và đặc biệt do thay đổi nhân sự của đối tác mua hàng, hai bên chưa đạt được thỏa thuận thống nhất nên hàng chưa xuất được.