Nhiều ngân hàng áp lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài

Trong ngày cuối cùng tháng 5, làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục, đáng chú ý nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài thấp hơn các kỳ hạn ngắn.

Sáng 31/5, lãi suất cao nhất mà các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng là 8,3%/năm. Mức lãi suất này hiện đang được GPBank niêm yết cho hình thức gửi tiền online.

Tiếp đến, lần lượt là ABBank (8,2%), NCB (8,1%), HDBank (8,1%), VietABank (8%), OCB (8%), Nam A Bank (8%). Mức lãi suất 7,7 – 7,8%/năm đang được nhiều ngân hàng vừa và nhỏ áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng như VIB, SCB, VietBank, PVCoM Bank, Bao Viet Bank,…

nhieu-ngan-hang-ap-lai-suat-tiet-kiem-ky-han-ngan-cao-hon-ky-han-dai-1685518241.jpg
Lãi suất cao nhất mà các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng là 8,3%/năm. Ảnh minh họa

Hiện nhóm ngân hàng tư nhân lớn có sự chênh lệch lớn về lãi suất tiền gửi tại kỳ hạn 6 tháng. Theo đó, VPBank là 7,8% cho kỳ hạn này, trong khi ACB là 7,4%, Techcombank là 7,2%, Sacombank là 6,8% và MB là 6,6%.

Lưu ý, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.

Còn nhóm ngân hàng quốc doanh áp dụng lãi suất huy động tại kỳ hạn 6 tháng thấp nhất thị trường, ở mức 5,5%/năm cho hình thức gửi tiền tại quầy. Đối với hình thức gửi tiền online, mức lãi suất áp dụng có thể cao hơn 0,3 – 0,5 điểm %.

Như vậy, phần lớn ngân hàng tư nhân đang có lãi suất huy động 6 tháng cao hơn 1,5 – 2,5 điểm % so với các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Đáng nói, tại một số ngân hàng ghi nhận tình trạng lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao hơn kỳ hạn dài. Ví dụ tại NCB, ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất huy động lên tới 8,1%/năm cho kỳ hạn 6 tháng trong khi kỳ hạn 36 tháng chỉ được áp dụng lại suất 7,85%/năm. HDBank đang áp dụng mức lãi suất 8,1% cho kỳ hạn 6 tháng. Trong khi đó, kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng là 6,9%.

Tương tự, lãi suất huy động 6 tháng của OCB và Nam A Bank là 8%, trong khi kỳ hạn 36 tháng chỉ được hưởng 7,9% và 7,8%. SCB áp dụng lãi suất 7,8% cho kỳ hạn 6 tháng, cao hơn 0,15 điểm % so với kỳ hạn 36 tháng.

Hay như Kienlongbank áp dụng mức lãi suất huy động lên tới 7,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng trong khi kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng chỉ được áp dụng lại suất 7,5%/năm. TPBank huy động kỳ hạn 6 tháng là 7,6%, trong khi kỳ hạn 18 tháng là 7,5%, 24 tháng là 7,4% và 36 tháng là 7,3%. VPBank niêm yết lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng là 7,8%/năm, cao hơn nhiều so với mức 7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn 15 – 36 tháng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng ngang ngửa lãi suất kỳ hạn 36 tháng như VietBank, BaoVietBank, VietABank, Saigonbank.

Cũng trong ngày 31/5, VietA Bank công bố giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động online kỳ hạn 12 – 18 tháng giảm 0,3% xuống còn 8,2%/năm.

Lãi suất các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng vẫn được giữ nguyên mức 8%/năm, đây cũng là mức lãi suất dành cho tiền gửi các kỳ hạn sau 18 tháng. Đáng chú ý, đây là lần thứ ba trong tháng 5 ngân hàng này giảm lãi suất huy động. 

Nhóm ngân hàng quốc doanh cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dài. Vietcombank giảm lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 4,1%/năm; 6-9 tháng ở mức 5,5%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm về 6,8%/năm. Các mức lãi suất này giảm từ 0,4-0,5 điểm % so với vài ngày trước. 

Tương tự, BIDV lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng đều giảm thêm 0,5 điểm % so với trước đó, trong đó cao nhất là 5,5%/năm khi khách hàng gửi từ 6-9 tháng. Lãi suất cao nhất cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tại ngân hàng này cũng giảm về 6,8%/năm

Riêng tại Agribank, lãi suất gửi cao nhất là 6,8%/năm chỉ dành cho kỳ hạn gửi 12 tháng, trong khi các kỳ hạn dài hơn lãi suất còn giảm sâu về 6,6%/năm. 

Từ đầu tháng 5 tới đây, các ngân hàng 2 lần giảm lãi suất trong thời gian này là Eximbank, VPBank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, KienLong Bank và Saigonbank, TPBank, BacA Bank, OCB, MSB, NamA Bank, và Techcombank.

Ngân hàng OCB, NCB, VietA Bank và Sacombank đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất tiền gửi chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Riêng VietBank giảm lãi suất huy động tới 4 lần.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT