Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhìn lại 3 vụ thao túng thị trường chứng khoán rúng động giới đầu tư

Hà Thị Lưu Luyến

Năm 2023, nhiều vụ án thao túng thị trường chứng khoán được đưa ra xét xử và khởi tố. Trong đó, có ba vụ án rúng động nhất liên quan đến ba doanh nghiệp đình đám với số tiền thu lời bất chính hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng 5 mã chứng khoán

Cuối tháng 10/2023, Bộ Công an ban hành kết luận điều tra đề nghị VKSND tối cao truy tố Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và 20 đồng phạm về tội Thao túng thị trường chứng khoán và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros và các công ty có liên quan.

Theo cáo buộc, từ 25/6/2017- 10/1/2022, Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế - Kế toán tổng hợp tại FLC mượn chứng minh nhân dân của 45 cá nhân, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán. Trong đó, 141 tài khoản mở tại Công ty CP chứng khoán BOS, 359 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác.

nhin-lai-3-vu-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-rung-dong-du-luan-1707205166.jpg
Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC

Để thực hiện việc thao túng thị trường, ông Quyết chỉ đạo em gái khác là Trịnh Thị Thúy Nga- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản của ông Quyết mở tại Công ty BOS.

Tại Chứng khoán BOS, nhận chỉ đạo từ anh trai, bà Nga chỉ đạo người khác thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức cho nhóm 79/141 tài khoản do bà Huế quản lý, sử dụng với tổng giá trị hạn mức khống là hơn 170.598 tỷ đồng.

Bà Huế đã sử dụng 79/141 tài khoản đặt 15.128 lệnh mua với khối lượng 2.850.120.160 cổ phiếu, tương đương hơn 46.980 tỷ đồng.

Đặt lệnh mua xong, bà Huế tiếp tục hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản với nhau, hoặc mua vào với số lượng lớn cổ phiếu cùng một mã cổ phiếu để thực hiện hành vi thao túng.

Theo kết luận điều tra, Huế đã khớp lệnh mua 463.375.070 cổ phiếu với tổng giá trị là hơn 11.855 tỷ đồng, thiếu hơn 11.651 tỷ đồng.

Sau khi tạo cung cầu giả đối với 5 mã chứng khoán nhóm FLC (AMD, HAI, GAB, ART) và FLC, khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của ông Quyết, bà Huế bán cổ phiếu ra thị trường, giúp anh trai thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Số tiền trên được Quyết sử dụng để mua cổ phần Công ty Hàng không Tre Việt, Công ty FLC Travel, Công ty Nông dược HAI; trả nợ; chuyển vào các tài khoản chứng khoán; chi tiêu cá nhân.

Ngoài hành vi thao túng chứng khoán, Trịnh Văn Quyết còn bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thông qua việc niêm yết cổ phiếu, nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng Faros.

Đến đầu tháng 1/2024, VKSND Tối cao đã trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung vụ án.

CEO Nguyễn Đỗ Lăng thao túng cổ phiếu nhóm Apec

Cuối tháng 6/2023, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Chứng khoán Apec (APS), CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Đồng thời, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán gồm Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc APS; Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Lăng; Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT APS; Nguyễn Thị Thanh - Kế toán trưởng APS và Phạm Thị Đức Việt - Phó Phòng dịch vụ khách hàng.

nhin-lai-3-vu-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-rung-dong-du-luan-2-1707205166.jpg
5 bị can thao túng chứng khoán nhóm Apec

Theo giới thiệu trên website của Apec Group, Chủ tịch sáng lập của Apec Group là doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng. Ông Lăng sinh năm 1974, quê Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Trento của Italia và có 2 năm (1998 – 2000) hoạt động tại Ý và giữ chức Giám đốc điều hành Công ty Prometeo. Sau đó về nước vào năm 2000 và trở thành Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH tư vấn quốc tế Cát Tường – CIC.

Năm 2006, ông Nguyễn Đỗ Lăng chính thức thành lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT tại API. Từ năm 2006 - 6/2020, ông Lăng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT IDJ, Chủ tịch HĐQT API.

Từ tháng 6/2020 đến thời điểm bị bắt, ông Lăng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT IDJ và Thành viên HĐQT API. Ngoài ra, ông Lăng còn có nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Cotana (CSC).

Cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân

Đầu tháng 5/2023, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm Đỗ Thành Nhân - cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings cùng 7 đồng phạm trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty CP Louis Holdings và Công ty CP chứng khoán Trí Việt.

Theo cáo trạng, trong giai đoạn 2020-2021, Đỗ Thành Nhân thực hiện thâu tóm nhiều doanh nghiệp. Trong số này có 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và ông Nhân trực tiếp đứng tên đại diện 3 công ty để hình thành hệ sinh thái Louis Holdings.

Đỗ Thành Nhân cùng với Đỗ Đức Nam (cựu Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt) mượn tên và nhân thân cùng giấy tờ của 13 người là người nhà, nhân viên thân cận để mở 17 tài khoản chứng khoán thực hiện thao túng cổ phiếu mã BII, TGG.

nhin-lai-3-vu-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-rung-dong-du-luan-3-1707205166.jpg
Bị cao Đỗ Thành Nhân tại tòa

Nhóm của Nhân và Nam sau đó vay hơn 748 tỷ đồng từ Chứng khoán Trí Việt để thực hiện giao dịch đặt lệnh, khớp lệnh mua, bán cổ phiếu mã BII và TGG nhằm tạo ra cung, cầu không có thực.

Phạm Thanh Tùng- cựu Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Trí Việt dù biết rõ hành vi của Nhân và Nam nhưng vẫn đồng ý cho vay. Thậm chí, Tùng còn chỉ đạo Nam chia nhỏ các khoản cho vay tránh bị phát hiện.

Trên mạng xã hội, bị cáo Nhân còn lập nhóm có tên "Louis Family", thu hút hơn 10.000 người tham gia. Thông qua nhóm này, ông Nhân dùng chiêu kêu gọi, đưa ra nhận định dối trá rằng cổ phiếu BII sẽ còn tăng giá rất nhiều khiến nhiều nạn nhân sa bẫy.

Cuối năm 2021, khi xuất hiện thông tin cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm tra, thanh tra hoạt động của TVB và Công ty Quản lý Tài sản Trí Việt, ông Tùng chỉ đạo thay toàn bộ ổ cứng máy tính của doanh nghiệp, xóa mọi tin nhắn có liên quan để che giấu hành vi phạm tội.

Tháng 10/2021, các bị can bán tháo mã cổ phiếu BII, TGG và thu lợi bất chính tổng số tiền gần 155 tỷ đồng. Công ty Quản lý tài sản Trí Việt của Nguyễn Thanh Tùng thu lợi bất hợp pháp số tiền hơn 14 tỷ đồng tiền lãi vay theo các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán.

Tại phiên sơ thẩm, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Nhân 5 năm 6 tháng tù. Sau đó, cựu Chủ tịch Louis Holdings kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại phần trách nhiệm dân sự trong vụ án.

Tại phiên phúc thẩm đầu tháng 1/2024, TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận đơn kháng cáo của Đỗ Thành Nhân giảm từ 5 năm 6 tháng tù xuống còn 4 năm tù.

Hà Ly