Nhìn lại dấu ấn 30 năm Kiểm toán Nhà nước

Sáng ngày 11/7/2024, Kiểm toán nhà nước tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2024) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.


Lễ Kỷ niệm sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan trung ương, Bộ, ngành, địa phương; các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các tổ chức nghề nghiệp…; cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) và đông đảo công chức, viên chức, người lao động của KTNN.

Nhìn lại dấu ấn 30 năm Kiểm toán Nhà nước- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, trong mỗi giai đoạn, thời kỳ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách và có những bước tiến vững chắc, toàn diện.

Không ngừng phát triển về số lượng, cơ cấu và chất lượng nhân sự

Trong 30 năm qua, tổ chức bộ máy của KTNN đã không ngừng phát triển cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Ngày đầu thành lập, biên chế của KTNN chỉ có 60 người, nay đã có 32 đơn vị cấp Vụ và tương đương với 2.067 người, trong đó: 1.803 công chức, 67 viên chức và 197 hợp đồng lao động; trong đó các ngạch kiểm toán viên chiếm 80,9% và đều có trình độ từ đại học trở lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn và sẵn sàng thích nghi với môi trường công nghệ kiểm toán hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Phát hiện và kiến nghị trên 740.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN chiếm tỷ trọng trên 40%

KTNN luôn nỗ lực và không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng kiểm toán. KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công, đưa ra nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn; góp phần làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin phục vụ hoạt động giám sát, hoàn thiện pháp luật và phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 740.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN chiếm tỷ trọng trên 40%; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.200 văn bản có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm. Kiến nghị kiểm toán cơ bản đã được các đơn vị thực hiện kịp thời, trong đó về xử lý tài chính được các đơn vị thực hiện khoảng 75% trong năm liền kề và tiếp tục được thực hiện trong các năm tiếp theo (lũy kế sau 05 năm, bình quân kết quả thực hiện đạt trên 90%).

Nhìn lại dấu ấn 30 năm Kiểm toán Nhà nước- Ảnh 2.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chủ động phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán; đồng thời tăng cường việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Trong giai đoạn 2011 đến nay KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán

Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra công vụ được quan tâm, tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu, 100% cuộc kiểm toán đều được kiểm soát, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của Ngành.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều kế hoạch, công điện để cụ thể hóa các nhiệm vụ trong hoạt động kiểm toán, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tăng cường phòng chống tham nhũng trong thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, KTNN cũng đã làm tốt công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng; chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động của KTNN.

Nhìn lại dấu ấn 30 năm Kiểm toán Nhà nước- Ảnh 3.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu

Mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với hơn 50 cơ quan KTNN các nước

Hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng về phạm vi và tăng cường về chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động hợp tác. Đến nay, KTNN đã mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với hơn 50 cơ quan KTNN các nước và các tổ chức quốc tế trên thế giới và khu vực; đã ký kết 29 Thỏa thuận quốc tế với các cơ quan SAI và các tổ chức quốc tế; một số Thỏa thuận quốc tế đã đi vào các nội dung cụ thể, thực chất, tập trung vào chương trình, dự án mà các bên cùng quan tâm.

Trong hợp tác đa phương, KTNN đã chủ động, tích cực hội nhập sâu và tham gia thực chất hơn vào các hoạt động của các tổ chức INTOSAI, ASEANSAI và đặc biệt trong khuôn khổ ASOSAI. Trên mỗi cương vị, KTNN luôn phát huy tốt vai trò của mình, qua đó nâng cao hình ảnh và khẳng định vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, KTNN đã thiết lập và mở rộng mối quan hệ với nhà tài trợ có uy tín, trách nhiệm nhằm thu hút nguồn lực phục vụ mục tiêu chung phát triển KTNN.

Nhìn lại dấu ấn 30 năm Kiểm toán Nhà nước- Ảnh 4.

Mục tiêu tổng quát, định hướng đến năm 2023, tầm nhìn đến 2045 của KTNN

Nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước cũng như Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 trong đó mục tiêu phát tiển KTNN đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 "Phát triển KTNN là cơ quan kiểm toán tối cao việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng tài chính, tài sản công, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; hỗ trợ các cơ quan tư pháp trong thực thi các hoạt động tư pháp; 

Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từng bước xác lập và khẳng định vị thế trong kết nối, chia sẻ lợi ích chung, chủ động kiến tạo và vận hành các định chế mới đóng góp vào sự hoàn thiện và phát triển của cộng đồng kiểm toán công trên thế giới".

H. Kim

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT