NHNN đã bơm trả toàn bộ số tiền hút qua tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng trở về vùng thấp kỷ lục
Lượng lớn tín phiếu đáo hạn đã góp phần hỗ trợ lãi suất liên ngân hàng giảm sâu trong những tuần qua.
Hôm nay (6/12) là ngày đáo hạn của lô tín phiếu cuối cùng trong đợt phát hành vừa qua với quy mô 5.000 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến nay đã bơm trả cho hệ thống ngân hàng toàn bộ số tiền đã hút về qua kênh tín phiếu, đưa lượng lưu hành về mức 0.
Trước đó, NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào hôm 21/9, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Động thái phát hành tín phiếu của NHNN được cho là nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỷ đồng, NHNN đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu từ ngày 9/11 và bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn.
Lượng lớn tín phiếu đáo hạn đã góp phần hỗ trợ đà giảm của lãi suất liên ngân hàng trong những tuần qua.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 4/12 là 0,16%/năm – tương đương giai đoạn tiền rẻ duy trì trong giai đoạn Covid. Các kỳ hạn chủ chốt khác như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng đã về ngang giai đoạn trước khi NHNN phát hành tín phiếu.
Giới phân tích nhận định, việc FED tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 và lạm phát Mỹ thấp hơn dự báo khiến giá trị đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đảo chiều giảm mạnh, đã góp phần giảm áp lực lên tỷ giá. Áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp NHNN có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế và không cần thiết phải sử dụng công cụ tín phiếu để hỗ trợ tiền Đồng.
"Việc NHNN ngừng phát hành tín phiếu diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá USD/VND đã giảm bớt kể từ đầu tháng 11. Kết quả, lượng lớn thanh khoản đã quay trở lại hệ thống đã đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong các phiên vừa qua", Chứng khoán MBS cho hay.
Bên cạnh lượng lớn tín phiếu đáo hạn, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa cũng do tình trạng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp dù ở giai đoạn cao điểm cuối năm - trái ngược với diễn biến các năm trước.
Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái. Với mục tiêu tăng trưởng 14,5%, dư địa còn lại để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, khoảng 6,2% tương đương hơn 730.000 tỷ đồng.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp, chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên nhu cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu…
Trước diễn biến trên, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 29/11/2023, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN và các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung", NHNN cho hay.