NHNN đang xem xét sửa đổi một loạt Thông tư quan trọng liên quan đến tín dụng và trái phiếu
NHNN cho biết đã rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 tổ chức sáng ngày 20/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này đã tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng như.
Trong đó, cơ quan này đã hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật các TCTD (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường tháng 01/2024; rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp;
NHNN cũng đang đánh giá để xem xét sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách; và rà soát để sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, kiện toàn và nâng cao hoạt động của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô... nhằm kích cầu tín dụng, tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức cho các nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế "tín dụng đen".
Được biết, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc Hội chính thức thông qua. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.
Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản; luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đối với Thông tư số 06/2023, văn bản luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023. Trong đó, Thông tư 06/2023 đã bổ sung quy định về cho vay phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Đồng thời, Thông tư bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01 tháng 9 năm 2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Đối với Thông tư số 16/2021, NHNN đang thực hiện xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm phù hợp với tình hình thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Một trong những nội dung dự kiến đưa vào dự thảo là bổ sung quy định tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp cho doanh nghiệp phát hành, bên bán trái phiếu.
Quy định này nhằm góp phần hỗ trợ theo dõi, giám sát tình hình sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường minh bạch thông tin, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững; đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang xem xét gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể tiếp tục duy trì Thông tư 02.
Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6 tới. "Đến 30/6 nếu như nền kinh tế vẫn cần, doanh nghiệp vẫn cần thì trước đó khoảng 3 tháng, chúng tôi sẽ trình để tiếp tục duy trì Thông tư 02. Tuy nhiên phải đảm bảo nhìn nhận được thực chất các khoản nợ giãn, hoãn, tránh nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế", ông Đào Minh Tú nói tại Hội nghị tổng kết đầu năm nay.