NHNN: Dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 là 165.000 tỷ đồng

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.

NHNN: Dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 là 165.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VGP

Ngày 28/9, Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 đã diễn ra do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 của ngành Ngân hàng.

NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong hệ thống rà soát đánh giá thiệt hại. Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi cơn bão.

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng.

Tại hội nghị này, đã có 32 tổ chức tín dụng công bố các gói cho vay hỗ trợ lãi suất thấp hơn 0,5-2% lãi vay thông thường. Tạm tính, tổng trị giá các gói tín dụng ưu đãi này vào khoảng 405.000 tỷ đồng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau ảnh hưởng của bão, NHNN đã soạn thảo Thông tư về việc tái cơ cấu nợ, đồng thời đưa ra các phương án hỗ trợ linh hoạt như miễn, giảm lãi suất vay và xây dựng các gói tín dụng ưu đãi mới.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo đối với các đơn vị trong toàn hệ thống để thực hiện theo kế hoạch, chỉ thị đã ban hành.

Để tăng nguồn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhà điều hành đề xuất cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện ở Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong trường hợp cần thiết, các bộ, ngành cần trình Thủ tướng để bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2024-2025.

UBND các tỉnh thành cùng ngân hàng nắm tình hình, hoàn thiện hồ sơ vay nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp, người dân; tổng hợp báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính, NHNN để thực hiện theo quy định.

Mai Linh (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT