NHNN lý giải nguyên nhân không 'chạy đua' giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, không "chạy đua" giải ngân gấp, nhanh cho hết gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vì đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.

nhnn-ly-giai-nguyen-nhan-khong-chay-dua-giai-ngan-goi-tin-dung-120000-ty-dong-antt-1710319390.png
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, gói 12.000 tỷ đồng hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Ảnh: Tiền Phong

Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

"Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Về kết quả triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... 

Trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, TP thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, …

Cũng theo ông Tú, một số tập đoàn lớn phản hồi rằng không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng bởi lẽ họ không chọn đúng ngân hàng, gói tín dụng này chỉ có ở 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Gần đây có thêm ngân hàng Tiên Phong với gói 5.000 tỷ đồng.

Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, trước đó, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT