Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

NHNN sẽ 'can thiệp sớm' nếu ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Phạm Thị Tâm

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định, NHNN sẽ “can thiệp sớm” khi một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả, hoặc có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ.

nhnn-se-can-thiep-som-neu-ngan-hang-bi-rut-tien-hang-loat-antt-1683642371.JPG
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VOV

Chiều 9/5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo luật gồm 13 chương, với 195 điều.

Đáng chú ý, bà Hồng cho hay, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt, gây nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống.

Cụ thể, theo dự thảo Luật, tại Điều 144 quy định, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi thuộc một trong các trường hợp sau: Xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của NHNN; Có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN; Bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của NHNN. Ngân hàng có lỗ luỹ kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp kiểm soát đặc biệt, điều chỉnh phương án xử lý tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt bao gồm phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và phương án phá sản; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá tổng thể thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

“Cho vay đặc biệt” với lãi suất 0% một năm là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này. Cạnh đó, dự thảo bổ sung thẩm quyền NHNN trong việc hạn chế quyền quyết định hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc phát hiện rủi ro đối với các tổ chức tín dụng, nhất là nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng để có các biện pháp can thiệp từ sớm là rất cần thiết, vừa giúp tổ chức tín dụng lành mạnh hóa hoạt động, giảm thiểu chi phí khắc phục và giảm tác động đến hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Ông Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nội hàm của việc “can thiệp sớm” để đề xuất những quy định tương ứng phù hợp, như các dấu hiệu, biện pháp can thiệp sớm và trách nhiệm của các bên liên quan.

Về "khoản vay đặc biệt”, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng dự thảo Luật chưa quy định cụ thể thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, từ đó khó xác định được thời gian của khoản vay này.

Từ nhận định này, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt là 0%.

Bạch Hiền (t/h)