Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

NHNN: Tốc độ giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng ở mức thấp

Lê Đức Bình

Theo NHNN, đến hết tháng 2/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP chỉ đạt 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng, bằng 0,64% tổng quy mô gói hỗ trợ.

goi-ho-tro-40000-ty-dong-moi-dung-064-tong-quy-mo-antt-1684291696.jpg
Tỉnh Phú Yên chỉ giải ngân được 46 triệu đồng cho 10 khách hàng. Ảnh minh họa

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ quý II/2023, ông Đặng Hồng Lĩnh- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Phú Yên đã thông báo về tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022. Theo đó, tính đến thời điểm cuối tháng 4, chỉ có 10 đối tượng nhận hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền giải ngân chỉ vỏn vẹn hơn 46 triệu đồng.

Đáng chú ý, Phú Yên không phải là tỉnh duy nhất có tốc độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất ở mức thấp. Trong báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN cho biết, đến hết tháng 2/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP chỉ đạt 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng, bằng 0,64% tổng quy mô. Trong khi dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng; số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỷ đồng. Kết quả sau hơn 1 năm, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng,

Tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng sau hỗ trợ và cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) là những nguyên nhân chính khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất. Trên thực tế, có những khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất nhưng sau đó họ lại quyết định hoàn trả lại toàn bộ số tiền được hỗ trợ.

Ngoài ra, nguyên do một phần đến từ tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải có đủ khả năng hồi phục. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bất ổn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước nên khó có thể đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng.

Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

"Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của chương trình là 37.430 tỷ đồng (năm 2022 là 15.900 tỷ đồng, năm 2023 là 21.530 tỷ đồng). Mặc dù kết quả hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước chưa được như kỳ vọng; song, hiện nay, các tổ chức tín dụng vẫn đang dành nguồn lực từ chính tổ chức tín dụng để giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh", báo cáo của NHNN thể hiện.

Trong đợt cuối tháng 3 vừa qua, NHNN cũng phải có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng. Việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư cung cấp thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất và dự kiến khả năng hấp thụ chính sách để Bộ Kế hoạch Đầu tư có thông tin làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.

Ông Phạm Thanh Hà- Phó Thống đốc NHNN, từng cho biết tỷ lệ giải ngân còn thấp của gói này làm nghi ngờ khả năng hỗ trợ. Bên cạnh đó, thủ tục giải ngân phức tạp, nhiều công tác thanh tra, kiểm toán… đã sinh ra tâm lý e ngại của khách hàng khi vay vốn.

Bình Đức (t/h)