NHNN xử lý 11 ngân hàng vi phạm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Danh tính 11 ngân hàng bị NHNN thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang được dư luận quan tâm.

bank-1678717120.jpg
Một số ngân hàng bị xử phạt do không thực hiện "chuẩn chỉ" theo quy định khi đầu tư. Ảnh minh họa

Trước yêu cầu của cử tri TP.Hà Nội về việc làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng khi tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp có nhiều sai phạm, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thanh tra đột xuất và ban hành kết luận thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 11 ngân hàng, trong đó, 9 ngân hàng thuộc diện thanh tra đột xuất và 2 ngân hàng thuộc danh sách thanh tra theo kế hoạch của NHNN.

Qua kết quả thanh tra, NHNN đã xử phạt hành chính với những ngân hàng vi phạm. Theo cơ quan này, việc thanh tra và xử lý góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật và các rủi ro nguy cơ gây mất an toàn hoạt động.

Theo tìm hiểu, thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu và hành vi dẫn tới việc xử phạt từng ngân hàng khác nhau là khác nhau, các vi phạm cũng khá đa dạng. Tuy nhiên, không phải do hoạt động đầu tư đó bị xử phạt mà do khi đầu tư, ngân hàng không thực hiện "chuẩn chỉ" theo quy định; chẳng hạn như: việc không báo cáo giao dịch, điều kiện đầu tư thiếu hay trích lập chưa đúng,...

Đáng chú ý, công tác thanh tra giám sát không chỉ dừng ở giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành quy định về an toàn trong hoạt động mà chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro của các tổ chức tín dụng, nhất là các vấn đề như kinh doanh, đại lý bảo hiểm; chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Hiện, danh tính 11 ngân hàng bị thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang được dư luận quan tâm.

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng tính đến 31/12/2022, có 17 trong tổng số 28 ngân hàng được thống kê đang nắm giữ 187,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Con số này tương đương gần 8 tỷ USD, giảm 13% so với cuối năm 2021 (theo báo cáo từ FiinRatings).

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp thuộc top 5 nắm giữ chiếm đến 81% tổng giá trị của 17 ngân hàng cộng lại. Trong đó, MB là ngân hàng nắm giữ trái phiếu nhiều nhất hệ thống với hơn 43,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. 

Techcombank ở vị trí á quân sau khi giảm 34,5% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ, từ 62,6 nghìn tỷ đồng về còn hơn 41 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà VPBank và TPBank lần lượt nắm giữ tăng 18% và 16% so với cuối năm 2021, nâng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ của 2 ngân hàng này lên xấp xỉ 32,9 nghìn tỷ đồng và 21,6 nghìn tỷ đồng.

Nằm trong top 5 các ngân hàng nắm giữ trái phiếu nhiều nhất hệ thống, tính đến cuối năm 2022, SHB tăng gấp đôi lượng trái phiếu nắm giữ so với đầu năm lên gần 13,2 nghìn tỷ đồng. 

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp có thể kể đến như: BaoViet Bank, Bac A Bank, OCB, NamABank, KienLongBank,...

Theo quy định hiện hành, ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp hay để tăng quy mô vốn hoạt động. Các nhà băng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, các nhà băng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng..

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT