Nhóm Big4 liên tục 'phá đáy' lãi suất tiết kiệm
Sau Vietcombank, tới lượt ba ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 là BIDV, Agribank và VietinBank công bố giảm lãi suất tiết kiệm về mức thấp chưa từng có.
Ngày 27/12/2023, BIDV và VietinBank tiếp tục hạ lãi suất tiết kiệm. Cả hai ngân hàng này áp dụng mức lãi suất tiền gửi tương tự nhau, cùng giảm từ 0,4-0,5% lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng.
Cụ thể, đối với lãi suất tiền gửi tại quầy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 2,2%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm về 2,5%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng áp dụng 3,5%/năm, kỳ hạn từ 12-18 được giữ nguyên ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên cũng được giữ nguyên ở mức 5,3%/năm.
Một thành viên khác trong nhóm Big4 là Agirbank cũng có lần thứ ba giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 12. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,2% xuống chỉ còn 2%/năm. Agribank giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn còn lại.
Trước đó ngày 22/12, Agribank giảm 0,5% lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng, đồng thời giảm mạnh 0,8% lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng và giảm 0,6% lãi suất đối với kỳ hạn 6-9 tháng.
Từ đầu tháng 12 đến nay, nhóm Big4 liên tục "phá đáy" lãi suất tiết kiệm. Trong đó, BIDV và Agribank có 3 lần giảm lãi suất, trong khi Vietcombank và VietinBank ghi nhận hai lần.
Hiện lãi suất huy động thấp nhất vẫn thuộc về Vietcombank với 1,9%/năm kỳ hạn 1-2 tháng. Lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank chỉ 4,8%/năm đối với kỳ hạn 12-24 tháng.
Lãi suất huy động cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng này là 5,3%, được cả ba ngân hàng còn lại áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 24-36 tháng.
Cũng trong ngày 27/12, một số ngân hàng tư nhân điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Ngân hàng MSB giảm lãi suất huy động lần thứ 2 với mức giảm sốc tới 1,3%.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,3% xuống còn 3,5%/năm. Kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,5% và kỳ hạn 9-11 tháng giảm mạnh 1,2% về mức 4,2%/năm. Kỳ hạn từ 12-13 tháng giảm 0,6% xuống còn 4,9%/năm.
Kỳ hạn tiền gửi từ 15-36 tháng, vốn được MSB niêm yết mức 6,2%/năm gần như cao nhất thị trường, giảm mạnh 1,3% xuống chỉ còn 4,9%/năm và hiện là mức lãi suất huy động cao nhất tại MSB. Như vậy, MSB là ngân hàng tiếp theo đưa lãi suất tiết kiệm mọi kỳ hạn về dưới 5%.
Tuy nhiên, MSB vẫn duy trì chính sách “lãi suất đặc biệt” dành cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy từ 500 tỷ đồng trở lên, là 8,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng (thông thường 4,6%/năm).
Hay ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) lần thứ hai giảm lãi suất huy động. Đối với tiền gửi dưới 200 triệu đồng, kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm mạnh còn lần lượt 2,6% và 2,7%/năm.
Kỳ hạn 3 tháng giảm xuống 2,9%/năm, trong khi kỳ hạn 6 tháng giảm mạnhmchỉ còn 3,9%/năm. Kỳ hạn 9 tháng giảm còn 4,1%/năm. Kỳ hạn 12 tháng được giữ nguyên mức 4,7%/năm.
ACB cộng thêm 0,1% lãi suất cho tài khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, cộng thêm 0,15% lãi suất cho tài khoản tiền gửi từ 1-5 tỷ đồng và cộng thêm 0,2% lãi suất cho tài khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
Lãi suất huy động cao nhất của ACB là 4,9%/năm cho tài khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng. ACB cũng áp dụng chính sách “lãi suất đặc biệt” dành cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy từ 200 tỷ đồng trở lên đến 5,6%/năm (kỳ hạn 13 tháng).
Theo các chuyên gia, do tăng trưởng tín dụng rất chậm nên các ngân hàng không gặp phải áp lực huy động vốn, dẫn đến việc liên tục hạ lãi suất huy động. Thông tin mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 13/12/2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,87% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%.