Nhóm Hoa Lâm liên tục mua lại trái phiếu trước hạn

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" Hoa Lâm liên tiếp mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

nhom-hoa-lam-lien-tuc-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-antt-2-1680752165.PNG
Nhiều doanh nghiệp trong nhóm Hoa Lâm liên tiếp mua lại trái phiếu trước hạn. Ảnh minh họa

Từ năm 2020, nhiều pháp nhân liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm của doanh nhân Trần Thị Lâm liên tiếp huy động trái phiếu nhằm đầu tư, rót vốn vào các dự án bất động sản của tập đoàn để mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Các pháp nhân cùng nhóm Hoa Lâm đã huy động vốn qua kênh trái phiếu có thể kể đến như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ (738 tỷ đồng); Công ty TNHH Điền Phát Land (770 tỷ đồng), Công ty TNHH Vinh An Điền (650 tỷ đồng); Công ty TNHH Hoa Thanh Long (477 tỷ đồng); Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An (456 tỷ đồng).

Đáng chú ý, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" Hoa Lâm liên tiếp mua lại trái phiếu trước hạn dù thời gian còn khá dài, với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Đầu tiên phải kể đến Công ty TNHH Vinh An Điền- đơn vị đã dùng quyền sử dụng đất tại thửa số 1-2, tờ bản đồ số 108 thuộc sở hữu của Hoa Lâm - Shangri-La 5 để hút 650 tỷ đồng trái phiếu.

Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, phát hành ngày 30/11/2020, đáo hạn ngày 30/11/2025. Tuy nhiên, đến ngày 23/3/2023, doanh nghiệp này đã mua lại trước hạn lô trái phiếu nói trên.

Cùng ngày, Công ty TNHH Điền Phát Land mua lại trước hạn lô trái phiếu DPL.BOND2020 với tổng giá trị 770 tỷ đồng. Lô trái phiếu này phát hành ngày 29/6/2020, lãi suất cố định năm đầu 10%, các năm sau bằng mức tham chiếu cộng biên độ 2,75%.

Một doanh nghiệp khác trong nhóm Hoa Lâm là Công ty TNHH Minh Khang Điền cũng mua lại 577 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong ngày 23/3/2023. Đây là lô trái phiếu được phát hành vào tháng 10/2020. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-3, tờ bản đồ số 108, tại phường Bình Trị Đông B, quận Tân Bình, TP.HCM thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hoa Lâm – Shangri – La6.

Chỉ sau đó 1 ngày, một doanh nghiệp khác trong “hệ sinh thái” Hoa Lâm cũng mua lại trái phiếu trước hạn là Công ty TNHH Hoa Kim Anh. Cụ thể, ngày 24/3/2023, Hoa Kim Anh mua trước hạn lô trái phiếu HKA.H2131.001 có tổng giá trị 700 tỷ đồng.

Khác với nhiều doanh nghiệp cùng "hệ sinh thái", CTCP Hong Lim Land không dùng các bất động sản của nhóm Hoa Lâm - Shangri-La làm tài sản đảm bảo nhưng số tiền huy động được từ trái phiếu cũng hướng đến Tập đoàn Hoa Lâm.

Theo tìm hiểu, lô trái phiếu HLICH2125001 của Hong Lim Land phát hành ngày 30/7/2021, kỳ hạn 4 năm với tổng giá trị 504 tỷ đồng được đăng ký lưu ký và quản lý bởi CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS). Đơn vị quản lý tài sản bảo đảm và tài khoản trái phiếu là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) - chi nhánh TP.HCM.

nhom-hoa-lam-lien-tuc-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-antt-3-1680752417.PNG
Phối cảnh Dự án Khu nhà ở D2 và D3. Ảnh: Tập đoàn Hoa Lâm

Theo thông tin công bố, số tiền thu được từ đợt phát hành này sẽ được Hong Lim Land sử dụng để hợp tác với CTCP Dịch vụ Hoa Lâm - Shangri-la để đầu tư vào dự án khu nhà ở, căn hộ D2, D3 thuộc Khu Y tế Kỹ thuật cao 532A Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM.

Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu là quyền sử dụng các lô đất tại Khu công nghiệp Cát Lái - Cụm 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm và các thửa đất tại huyện Hóc Môn, TP.HCM thuộc sở hữu của ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp.

Ngày 24/3, CTCP Hong Lim Land đã có văn bản số 330/2023/CBTT-HLL công bố việc mua lại trước hạn lô trái phiếu này.

Về Hong Lim Land, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 3/2018 với vốn điều lệ ban đầu 100 triệu đồng, với ba cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Kim Phượng (sở hữu 40% vốn), ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp (nắm 20%) và bà Khưu Thị Phương Hằng (sở hữu 40%).

Đến ngày 25/6/2021, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT công ty là ông Mai Anh Đào.

Quay trở lại với trái phiếu của nhóm doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” Hoa Lâm, không chỉ 4 doanh nghiệp kể trên, trong nhiều năm qua, các tài sản của nhóm Hoa Lâm thường được dùng làm tài sản đảm bảo để huy động trái phiếu, hay thế chấp tại VietBank.

Trong năm 2021, HĐQT VietBank đã thông qua Nghị quyết số 106 về việc nhận chuyển nhượng lại 2 lô trái phiếu từ những doanh nghiệp trong nhóm Hoa Lâm có trị giá gần 1.000 tỷ đồng.

Hoa Lâm bắt đầu gia nhập mảng tài chính vào năm 2006 khi nữ doanh nhân Trần Thị Lâm trở thành cổ đông sáng lập của VietBank. Ông Dương Ngọc Hòa cũng từng giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này sau đó, vị trí này do con trai của ông Hòa là ông Dương Nhất Nguyên đảm nhiệm.

Mối quan hệ thân thiết này khiến VietBank trở thành "bệ đỡ" tài chính, thu xếp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dồn vốn vào các dự án của Tập đoàn Hoa Lâm.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT