Nhóm Quang Kim nâng sở hữu tại VIB lên hơn 9,8%

Công ty Quang Kim vừa có báo cáo về ngày trở thành nhóm nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu VIB.

Công ty CP Đầu tư Phát triển Quang Kim (Quang Kim) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (MCK: VIB) về ngày trở thành nhóm nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu.

Cụ thể, ngày 11/11/2024, Quang Kim đã tiến hành mua vào 17,2 triệu cổ phiếu VIB, qua đó nâng sở hữu từ 0% lên 0,577% vốn VIB.

Sau giao dịch này, tỷ lệ cổ phiếu VIB của nhóm Quang Kim nắm giữ cũng tăng lên từ 9,258% lên 9,836%.

Cũng theo báo cáo của Quang Kim, những người liên quan đến doanh nghiệp này đang nắm giữ cổ phiếu VIB gồm: Đỗ Xuân Thụ, Đỗ Xuân Hà, Đỗ Xuân Sơn, Đỗ Xuân Hoàng, Đỗ Xuân Việt và Đỗ Thu Giang.

Nhóm Quang Kim nâng sở hữu tại VIB lên hơn 9,8%- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đó, theo cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên (thông tin về người có liên quan được công bố theo kê khai của các cổ đông tính đến ngày 31/7/2024 và số liệu sở hữu cổ phần và tỷ lệ sở hữu chốt tại ngày 28/6/2024), ông Đỗ Xuân Hoàng- Thành viên HĐQT VIB sở hữu 4,949% vốn; tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của ông Hoàng là 4,344%.

Cũng theo danh sách này, ông Đỗ Xuân Sơn và ông Đỗ Xuân Việt đều đang nắm 32,4 triệu cổ phiếu VIB, tương ứng 1,277%; ông Đỗ Xuân Thụ sở hữu gần 32,9 triệu cổ phiếu VIB, tương ứng 1,296%.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty Quang Kim mới chỉ thành lập hồi tháng 5/2024, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm.

Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 250 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm: Đỗ Xuân Hoàng (4,5%); Đỗ Xuân Thụ (10%); Đỗ Xuân Việt (28,5%); Đỗ Xuân Sơn (28,5%); Đỗ Xuân Hà (28,5%).

Hiện, ông Đỗ Xuân Hà (SN 1973) là Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Còn ông Đỗ Xuân Thụ là Chủ tịch HĐQT Quang Kim.

Quay trở lại với cổ đông VIB, theo cập nhật thay đổi của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại VIB, tính đến ngày 5/11/2024, bà Nguyễn Thùy Nga nắm giữ hơn 83,75 triệu cổ phiếu VIB, tương ứng 2,811% vốn ngân hàng này. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Nga tại VIB là 4,062%.

Bà Nguyễn Thùy Nga từng được biết đến là thành viên Ban kiểm soát của Công ty CP Uniben- doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết với Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ.

Cũng theo cập nhật của VIB, tính đến ngày 5/11, bà Hoàng Vân Anh là cổ đông sở hữu hơn 91,5 triệu cổ phiếu VIB, tương ứng 3,072% vốn ngân hàng. Trong khi đó, người có liên quan đến bà Vân Anh nắm giữ hơn 6,1 triệu cổ phiếu, tương đương 0,206% vốn VIB.

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC quý III/2024 với nhiều chỉ số đáng chú ý.

Theo đó, trong kỳ, thu nhập lãi thuần đạt gần 4.060 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm từ 1.081 tỷ đồng về gần 854 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động dịch vụ lại tăng từ hơn 370 tỷ đồng lên 444 tỷ đồng khiến lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm tới 42,4% so với cùng kỳ năm trước, về hơn 409 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng giảm từ 322 tỷ đồng về gần 137 tỷ đồng. Trong kỳ, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư của VIB giảm 41,6% so với quý III/2023 xuống gần 66 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác ghi nhận tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 261 tỷ đồng.

Theo giải trình của VIB, thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm cùng với việc tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nên lợi nhuận sau thuế quý III/2024 hợp nhất giảm 26% so với cùng kỳ năm 2023, ở mức hơn 1.599 tỷ đồng.

Các khoản thu nhập đa số thụt lùi trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ vẫn neo cao đã kéo lợi nhuận của VIB giảm gần 26% so với cùng kỳ, ở mức 1.599 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 8,3%, về gần 12.677 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5.283 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản VIB ở mức gần 445.378 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 297.550 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Phân tích dư nợ cho vay khách hành theo ngành nghề kinh doanh, VIB đang cho vay ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ trọng cao nhất (5,93%, tương ứng hơn 17.658 tỷ đồng). Tiếp sau đó là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (13.753 tỷ đồng); Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (11.218 tỷ đồng); Hoạt động kinh doanh bất động sản (6.279 tỷ đồng);...

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của VIB là 405.436 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi khách hàng ở mức 255.633 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm đầu năm; tiền gửi và vay của các tổ chức tín dụng khác 113.853 tỷ đồng.

BCTC quý III/2024 của VIB cũng thể hiện khoản nợ Chính phủ và NHNNVN (toàn bộ là vay chiết khấu, tái chiết khấu các giấy tờ có giá) gần 2.192 tỷ đồng, trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này.

Về chất lượng nợ vay, tại ngày 30/9/2024, tổng nợ xấu của VIB là 11.461 tỷ đồng, tăng 26% so với thời điểm hồi cuối năm 2023. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 2.198 tỷ đồng lên 5.986 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,85%.

Bạch Hiền

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT