Nhựa Đông Á lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng trong quý II, cổ phiếu bị cảnh báo
Doanh thu giảm trong khi phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 88 tỷ đồng khiến Nhựa Đông Á lỗ ròng hơn 102 tỷ đồng trong quý II/2023. Cổ phiếu DAG bị đưa vào diện cảnh báo.
Ngày 10/8, Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG, sàn HoSE) công bố BCTC riêng và hợp nhất quý II/2023 sau khi bị HoSE nhắc nhở.
Theo BCTC hợp nhất quý II/2023, công ty mang về 400,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32% so với quý II/2022. Trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp lao dốc tới 74% chỉ còn 6,7 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng mạnh từ 1,6 tỷ đồng lên gần 4,5 tỷ đồng. Trong khi chi phí tài chính vẫn đi ngang ở mức 15,4 tỷ đồng.
Mặt khác, chi phí bán hàng giảm nhẹ còn 2,4 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến gấp 14,6 lần lên mức 95,2 tỷ đồng, nguyên nhân do quý này ghi nhận khoản dự phòng phải thu khó đòi 87,9 tỷ đồng.
Kết quả, Nhựa Đông Á báo lỗ ròng ở mức 102,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 393 triệu đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mang về 959,2 tỷ đồng doanh thu, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ ròng ở mức hơn 124 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 8 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả thua lỗ lớn tại báo cáo hợp nhất, ngoài vấn đề nguồn nguyên vật liệu cao, chi phí liên quan đến nhập khẩu tăng, chi phí vận chuyển tăng, Nhựa Đông Á còn cho biết, quá trình lưu trữ hàng hóa và sản xuất tạo ra nhiều phế liệu dẫn đến hàng bị hư hỏng nhiều nên giá trị xuất bán phế liệu thấp nhưng chi phí nguyên vật liệu cao. Trong kỳ doanh thu sụt giảm mạnh (giảm 32%) trong khi các chi phí cố định để vận hành không giảm.
Ngoài ra, do khó khăn chung của nền kinh tế, công nợ khó có khả năng thu hồi được, thậm chí nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ nên quý II/2023 Công ty trích lập dự phòng các khoản phải thu dẫn đến tăng đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp do trích lập dự phòng khoảng 88 tỷ đồng (tương đương tăng 1.355,31%).
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản doanh nghiệp ở mức 2.379 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt tăng gấp 4 lần lên mức hơn 11 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 1,8 lần do ghi nhận 36 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn.
Ngược lại, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 38% so với đầu năm còn 59,7 tỷ đồng. Công ty cũng không ghi nhận 5,6 tỷ đồng đầu tư trái phiếu như đầu năm. Hàng tồn kho cũng giảm nhẹ còn 960 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả tăng 21% lên mức 1.816 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 1.618 tỷ đồng. Biến động mạnh nhất trong nợ ngắn hạn là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn từ 42,3 tỷ đồng lên 298,7 tỷ đồng.
Vay nợ tài chính ngắn hạn tăng nhẹ lên 965 tỷ đồng, còn vay nợ tài chính dài hạn giảm 19% so với đầu năm còn 197,3 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu còn 562,3 tỷ đồng, giảm 18% sau 6 tháng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang âm 106 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là 18,6 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 10/8, Nhựa Đông Á đã có báo cáo giải trình việc chậm công bố thông tin dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo. Trước đó, cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 9/8/2023 do vi phạm quy định về công bố thông tin từ 4 lần trở lên.
Liên quan đến vấn đề này, công ty cho biết đã được công văn của HoSE về việc đưa cổ phiếu DAG vào diện cảnh báo theo Quyết định số 421 ngày 2/8 của Sở vì lý do vi phạm quy định công bố thông tin. Công ty đã có văn bản giải trình nguyên nhân chậm công bố thông tin dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và biện pháp khắc phục.
Về nguyên nhân chậm công bố thông tin, DAG cho biết, trong thời gian qua, bộ phận kế toán của công ty mẹ và các công ty con có một số biến động về nhân sự, đặc biệt là vị trí kế toán tổng hợp. Trong khi đó, nhân sự thay thế chưa đủ thời gian nắm bắt toàn bộ công việc.
Bên cạnh đó, công ty mới chuyển đổi phần mềm kế toán mới và gặp một số trục trặc kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi dữ liệu, vận hành. Điều đó đã ảnh hưởng đến công tác nhân sự, thu thập, tổng hợp dữ liệu và hoàn thiện báo cáo tài chính quý đúng hạn theo quy định.
Các lần chậm công bố thông tin, công ty đều có văn bản xin chậm công bố thông tin, giải trình theo yêu cầu của HoSE và thực hiện công bố thông tin ngay sau khi hoàn thành.
Về biện pháp khắc phục, DAG cho biết, đã tuyển dụng bổ sung nhân sự cho bộ phận kế toán tại công ty mẹ và các công ty con. Đề nghị công ty cung cấp phần mềm kế toán tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi dữ liệu và vận hành phần mềm kế toán mới.
Ngoài ra, công ty sẽ tổ chức các buổi làm việc nội bộ định kỳ giữa bộ phận công bố thông tin và các phòng ban liên quan để cập nhật phổ biến các quy định liên quan đến công bố thông tin, đồng thời nhắc nhở về thời hạn và sự tuân thủ đúng các quy định về công bố thông tin.