Những bước tiên phong của các doanh nghiệp đầu ngành trong làn sóng dịch chuyển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”
Trong mục tiêu đưa phát thải ròng về mức “0” vào năm 2050 của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong đưa vấn đề Xanh vào trọng điểm hoạt động thông qua việc "giảm nâu – tăng xanh" và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cam kết đưa phát thải ròng về mức "0" vào năm 2050 của Việt Nam.
Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.
Góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vấn đề Xanh vào trọng điểm hoạt động thông qua việc "giảm nâu – tăng xanh". Không ít doanh nghiệp đã có những bước đi tiên phong và ghi nhận kết quả ấn tượng.
Nắm bắt được xu thế đó, sáng ngày 22/11, trang tin kinh tế tài chính CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP đã tổ chức Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình" với sự đồng hành về chuyên môn của các đơn vị quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các đơn vị tư vấn, và sự hỗ trợ về tổ chức của các doanh nghiệp: ACB, Manulife, Masan Group, Xanh SM, HSBC Việt Nam, SHB, Gamuda Land, T&T Group và Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó TGĐ VCCORP nhận định, NET ZERO là một mục tiêu cực kỳ thách thức. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội cho sự kết nối, huy động tâm huyết, trí tuệ, sức mạnh của những người tài trên khắp Việt Nam cùng chung tay giải bài toán lớn của đất nước. Nhìn từ góc độ này, NET ZERO lại trở thành một mục tiêu truyền cảm hứng rất lớn.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, đã gây sửng sốt cho toàn nhân loại bởi vì những nước mạnh hơn cũng chỉ cam kết như Việt Nam.
Tuy nhiên, với cam kết lớn như vậy, Việt Nam đương đầu với những thách thức lớn, nhưng đó cũng là cơ hội để tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ để có thể "đi sau về trước". Ông Thiên đánh giá, tầm nhìn xanh là sứ mệnh phải thực hiện, là sứ mệnh sống còn, đem lại lợi ích cao nhất.
"Xanh hoá" trong công nghiệp, giao thông
Hội thảo với 2 phiên "Tầm nhìn Xanh Việt Nam" và "Những câu chuyện điển hình" là nơi để các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện các Hiệp hội; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp mạnh ở các lĩnh vực khác nhau chia sẻ những quan điểm, để hướng tới một tầm nhìn xanh.
Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một trong những ngành chiếm tỷ trọng lớn về cơ cấu rác thải, Tập đoàn Hoà Phát đã đưa ra các giải pháp sản xuất "thép xanh", nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon trong tương lai với 5 giải pháp sản xuất thép tiết kiệm năng lượng tại sự kiện.
Một điển hình khác là Công ty Nhựa Tái Chế Duy Tân cũng tiên phong ứng dụng công nghệ tái chế để góp phần vào bài toán đưa phát thải ròng bằng "0". Theo đó, Nhựa Tái Chế Duy Tân đã đầu tư và xây dựng nhà máy nhựa tái chế nhằm cung cấp sản phẩm nhựa tái chế chất lượng cao với công nghệ "Bottle to Bottle", mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp mới, qua đó, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Tập đoàn Hoá Chất Đức Giang cũng đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn khi hoá lỏng khí CO2, có khí CO trong trong các lò nhiệt, không đưa trực tiếp ra ngoài môi trường, 100% một số chất thải được chuyển giao cho ngành xi măng.
Trong lĩnh vực giao thông, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) đã chính thức đưa vào vận hành hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam – Xanh SM, và sau đó đã bổ sung thêm dịch vụ di chuyển bằng xe máy điện Xanh SM Bike. Chỉ trong một thời gian ngắn, kết quả mà GSM thu được với 15 triệu lượt khách hàng, 70 triệu km di chuyển không phát thải, tương đương với giảm được 13,4 triệu kg CO2 thải ra môi trường, đồng thời chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ bằng 1/3 so với xe xăng là minh chứng cho việc phát triển bền vững thông qua hệ thống giao thông xanh.
Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu dần chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, đơn cử như T&T Group là Tập đoàn của nhà sáng lập Đỗ Quang Hiển hiện đang là nhà đầu tư phát triển hàng loạt các dự án điện mặt trời, điện gió quy mô lớn trên khắp cả nước với tổng công suất khoảng 1.000 MW.
Ngoài ra, T&T Group cũng bắt tay với 1 loạt các đối tác hàng đầu thế giới để xúc tiến đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Tập đoàn này cho biết mục tiêu vào năm 2030 sở hữu và đồng sở hữu nguồn điện 12.000 - 15.000 MW, trong đó, điện tái tạo chiếm từ 60 - 75%. Các nguồn điện tái tạo sẽ bao gồm: Điện gió (trên bờ, gần bờ, ngoài khơi), điện mặt trời, điện sinh khối và điện từ rác thải.
Bước tiên phong trong tín dụng xanh
Với ngành tài chính, khi nhiều tổ chức vẫn còn e ngại trong việc cho vay năng lượng tái tạo, thì một số ngân hàng đã đi tiên phong tìm hiểu và là nhà tài trợ lớn cho các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, với sự tiên phong từ ACB, HSBC Việt Nam, SHB, HDBank, MB, BIDV, Nam A Bank… Đây chính là một động lực quan trọng giúp cho công suất và tỷ lệ phát điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam có bước nhảy vọt trong vài năm gần đây.
Nếu như đại diện Ngân hàng ACB cho biết "với chữ S và G trong phát triển xanh, ACB làm từ ngày đầu thành lập. Chữ E được ACB làm mạnh các năm gần đây, thay đổi nhận thức của toàn bộ nhân viên trong việc bảo vệ môi trường" thì HSBC đã có tham vọng hỗ trợ thu xếp đến 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững cho Việt Nam sau khi Thủ tướng công bố tại COP26. Hiện tại, HSBC đã hỗ trợ thu xếp được khoảng 2 tỷ USD cho thị trường Việt Nam.
Đại diện Ngân hàng SHB chia sẻ, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại nhà băng này chiếm gần 10% tổng dư nợ. Định hướng phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2022-2027, SHB sẽ tập trung tài trợ vốn cho các dự án/ phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh.
Nói về các thách thức hiện hữu với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh, đại diện HDBank nhấn mạnh 2 điểm chính là nguồn vốn và năng lực đổi mới với phát triển xanh. Tuy nhiên, vị này cho biết Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh.
Những công trình xanh của ngành xây dựng, BĐS
Theo ông Nguyễn Công Thịnh - đại diện Bộ Xây dựng, tại Việt Nam, tính đến hết quý 3 năm 2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông. Nếu so sánh với trên 100 triệu m2 sàn cho diện tích nhà ở và văn phòng mỗi năm, thì số lượng công trình xanh trong 15 năm qua quá nhỏ. Cũng có nghĩa là tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này còn rất lớn, ông Thịnh cho biết.
Trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, các doanh nghiệp cũng bắt đầu chuyển hướng sang chiến lược phát triển bền vững, tối ưu chỉ số "xanh" trong các sản phẩm, dịch vụ. Đơn cử như Gamuda Land đã có chiến lược đặc biệt là biến những bãi rác, rốn nước thải thành những khu đô thị xanh bậc nhất.
"Để kiến tạo như những khu đô thị lý tưởng thì điều đầu tiên phải làm là tôn trọng giá trị vốn có của vùng đất, tôn trọng những cây xanh, hồ nước.. sẵn có ở đấy, và từ đó chúng tôi tạo ra sự kết nối", đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Một điển hình khác về tiên phong xây dựng các dự án xanh ở Việt Nam là Ecopark với đại đô thị xanh ở Hưng Yên. Sau hơn 10 năm, từ một vùng đất xa trung tâm Hà Nội và dân cư thưa thớt, nơi đây thành điểm đến của hàng nghìn cư dân, và là một trong những khu đô thị đáng sống nhất tại Việt Nam.
Sun Group chia sẻ về con đường kiên định theo đuổi triết lý về sự hài hòa, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng, cân bằng giữa phát triển với bảo tồn, tôn trọng các giá trị của thiên nhiên, con người và hướng tới sự hài lòng tối đa của khách hàng, đồng thời tiên phong xây dựng văn hóa làm du lịch chuyên nghiệp, văn minh, nhân văn.
Một số doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực tài chính hay tiêu dùng như Manulife, Masan Group… cũng mạnh mẽ tham gia góp phần thực hiện cam kết bằng giải pháp về quy trình sản xuất giảm thải cùng hàng loạt biện pháp bảo vệ môi trường.