"Những chị kế toán cần cù 20 năm kinh nghiệm sẽ mất việc": Ông Hoàng Nam Tiến báo động "thảm cảnh" của 85% kế toán, thực tế đã diễn ra ngay tại FPT

"Một chị kế toán hỏi tôi rằng: "Anh Tiến ơi, bây giờ em sẽ học cái gì mới? Em làm nghề này 20 năm rồi. Năm nay em đã 45 tuổi, có chồng và 3 con. Bây giờ mà em thất nghiệp thì chết". Và thất nghiệp thật", ông Hoàng Nam Tiến kể lại. Thực tế cho thấy tại một tập đoàn 60.000 người như FPT giờ đây chỉ có 6 kế toán.

"Những chị kế toán cần cù 20 năm kinh nghiệm sẽ mất việc": Ông Hoàng Nam Tiến báo động "thảm cảnh" của 85% kế toán, thực tế đã diễn ra ngay tại FPT - Ảnh 1.

Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT.

Sự phát triển nhanh chóng của robot và trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là đang tác động tới thị trường lao động theo cách chưa từng thấy từ trước đến nay. Điều này gần đây được ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT liên tục nhấn mạnh trong các bài diễn thuyết.

Hôm 14/1, tại ngày hội khoa học công nghệ Fschools Open STEAM Day 2024, một lần nữa ông Hoàng Nam Tiến đề cập đến những ngành nghề rất có nguy cơ bị robot và AI thay thế trong tương lai gần.

"Nếu ngày xưa người ta chỉ nói về những người thất nghiệp, thì hôm nay người ta nói tới những người vô dụng. Họ được đào tạo, học hành, từng làm việc nhiều năm và có tinh thần rất tốt. Nhưng rất tiếc, trong tương lai rất gần, không quá 5-6 năm nữa họ sẽ bị robot và AI thay thế", ông cảnh báo, chỉ ra sự xuất hiện của ChatGPT và Gemini – AI do Google phát triển.

Theo vị lãnh đạo Đại học FPT, 85% những người đang làm kế toán sẽ mất việc. Số còn lại vô cùng quý giá, nhưng chỉ chiếm 15%. Ông cảnh báo ngay cả "những chị kế toán 20 năm kinh nghiệm, làm việc rất cần cù và cẩn thận cũng sẽ mất việc".

"Một chị kế toán hỏi tôi rằng: "Anh Tiến ơi, bây giờ em sẽ học cái gì mới? Em làm nghề này 20 năm rồi. Năm nay em đã 45 tuổi, có chồng và 3 con. Bây giờ mà em thất nghiệp thì chết". Và chị thất nghiệp thật. Điều này tạo ra một tầng lớp còn đông hơn những người thất nghiệp, là tầng lớp vô dụng", ông Tiến kể một câu chuyện dẫn chứng.

Viễn cảnh này thực sự đã diễn ra tại chính Tập đoàn FPT - nơi có tới 60.000 nhân sự. Ông Hoàng Hữu Chiến - Kế toán trưởng FPT từng chia sẻ với truyền thông rằng mặc dù Tập đoàn có 8 công ty con trực tiếp, 72 công ty con gián tiếp, 9 công ty liên kết, 350 bộ sổ kế toán riêng và hợp nhất được chia thành 6 cấp, hoạt động trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ cần 1 kế toán cho công tác hợp nhất báo cáo tài chính và là một trong những công ty nộp báo cáo tài chính sớm nhất nhóm VN30.

Tất cả là nhờ một hệ thống có tên FPT CFS, với tỷ lệ tự động hóa lên đến 99%.

"Với quy mô, số lượng bộ sổ rất lớn như FPT, dùng sức người chắc chắn không phải cách tốt nhất. Tại văn phòng Tập đoàn FPT hiện có 6 kế toán, nhưng chỉ cần 1 người duy nhất đảm nhận công tác lập báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, hợp nhất báo cáo tài chính của Tập đoàn, cũng như bao quát toàn bộ công tác hợp nhất tại các đơn vị", ông Chiến cho hay.

"Những chị kế toán cần cù 20 năm kinh nghiệm sẽ mất việc": Ông Hoàng Nam Tiến báo động "thảm cảnh" của 85% kế toán, thực tế đã diễn ra ngay tại FPT - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Tại một sự kiện khác vào năm 2023, ông Hoàng Nam Tiến còn chỉ ra rằng 5 năm trước, Cao đẳng FPT Polytechnic đã loại bỏ ngành Tài chính - Kế toán khi quy hoạch chương trình đào tạo.

"Đó là quyết định gây tranh cãi khi ấy. Rất nhiều người hỏi tại sao FPT không đào tạo ngành Tài chính - Kế toán. Ngày hôm nay chính là câu trả lời. Năm 2030, những người học kế toán và tài chính được dự báo là những người bị mất việc nhiều nhất", ông tuyên bố.

Ngoài ngành kế toán, ông Tiến còn cảnh báo "những cô gái làm văn phòng - hành chính – nhân sự cũng sẽ mất việc", dẫn chứng là tất cả các tỉnh đều đang cố gắng thực hiện chính quyền số, tức là chuyển đổi hoàn toàn cách làm bằng cách dùng công cụ số.

"40% những người đang làm các công tác văn phòng – hành chính – nhân sự sẽ mất việc trong tương lai rất gần, vì ở chính FPT đang như vậy. Chúng tôi đang đi trước một bước.

Ngay cả 2 nghề mà chúng tôi vô cùng tự hào là lập trình và kiểm thử - 2 trong số 7 khâu làm phần mềm – thì hiện nay khoảng 40% số dòng lệnh đã được AI tự động làm, không cần đến chúng tôi. Như vậy, các nhân sự sẽ cần phải học lại", ông Tiến nói thêm.

"Ngày hôm nay thế giới đã thay đổi quá nhanh. Nếu chúng ta không tự đục đẽo bản thân, học tập suốt đời để trở thành phiên bản tốt hơn của mình qua mỗi ngày, chúng ta sẽ nhanh chóng trở thành những người bình thường, và rất có thể sẽ thành tầm thường, không còn được xã hội dùng trong tương lai", Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT đưa ra lời khuyên.

Minh Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT