Những Chủ tịch ngân hàng không nắm giữ cổ phiếu
HDBank, TPBank, Saigonbank, VietABank, Nam A Bank… hiện có Chủ tịch hội đồng quản trị không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của ngân hàng.
Nếu như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định các cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5%, thì hiện nay nhiều "ông chủ" ngân hàng thậm chí không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào tại ngân hàng do mình điều hành.
Tại Saigonbank, Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Lãm được bổ nhiệm từ ngày 4/10/2019. Đến nay đã hơn 3 năm ngồi "ghế" cao nhất điều hành ngân hàng này, ông Lãm cùng tất cả những người có liên quan đều không nắm giữ cổ phiếu nào.
Hay tại HDBank, lần đầu tiên một người nước ngoài được bầu vào vị trí cao nhất đó là ông Kim Byoungho "ngồi ghế" Chủ tịch HĐQT từ tháng 4/2022. Trước đó, vị này từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc tài chính, Tổng giám đốc tại Hana Bank, ngân hàng lớn thứ hai Hàn Quốc. Hiện tại, dù HDBank ở đỉnh lợi nhuận, nhưng ông Kim Byoungho không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của ngân hàng này.
Còn tại Nam A Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào tháng 12/2022. Trước đó, ông Vũ đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch thường trực kể từ năm 2019, từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Ngân hàng.
Tương tự, VietA Bank bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Phương Thành Long giữ vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 kể từ ngày 8/9/2021. Hơn 1 năm điều hành VietA Bank, ông Long không nắm giữ cổ phiếu nào của ngân hàng.
Thực tế cho thấy, nhiều ông chủ không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng.
Đó là trường hợp tại TPBank, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú không sở hữu cổ phiếu nào, song nhóm cá nhân, tổ chức có liên quan nắm giữ hơn 290 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 18,36%, giữ nguyên so với năm 2021. Trong đó, ông Phú là đại diện cho gần 94 triệu cổ phiếu vốn góp của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji tại TPBank. Ông Phú hiện đang là Chủ tịch Hội đồng sáng lập, còn những người có liên quan là lãnh đạo cấp cao của Doji.
Ngân hàng Eximbank gần đây thu hút dư luận liên quan đến ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT cũng như tỷ lệ sở hữu của các nhóm cổ đông lớn.
Ngày 28/6/2023, bà Đỗ Hà Phương được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank. Bà Phương được đề cử bởi nhóm cổ đông gồm Công ty cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn, Công ty cổ phần Rồng Ngọc, Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL, Công ty TNHH M8 và 7 cổ đông cá nhân (ông Dương Tiến Dũng, ông Nguyễn Quốc Toàn, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, bà Trương Vũ Họa Mi, bà Lê Mộng Tuyền, ông Trần Ngọc Nhật, bà Lưu Như Trân). Các doanh nghiệp này đều có mối liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Nam A Bank.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank chưa được công khai trong khi bà Phương không nắm giữ cổ phiếu EIB. Trước đó, người tiền nhiệm là bà Lương Cẩm Tú cũng chỉ sở hữu 1,11% cổ phần.
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5%, tổ chức không được sở hữu vượt quá 15%, đồng thời tổng sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông liên quan không vượt quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng.
Các quy định hiện hành ngày càng được siết chặt để tránh tình trạng sở hữu chéo, sở hữu ngầm dưới vỏ bọc các công ty con hay hệ sinh thái chằng chịt nhằm nắm cổ phần chi phối, thao túng ngân hàng vì lợi ích nhóm.
Mới đây nhất, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng từ 5% xuống 3% với cổ đông là cá nhân; từ 15% xuống 10% với cổ đông là tổ chức; từ 20% xuống 15% với cổ đông và người có liên quan.
Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung các quy định về người có liên quan, những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ, giảm tỷ lệ cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan…