Những công ty bất động sản lãi lớn trong quý II nhờ doanh thu tài chính
Khi hoạt động kinh doanh cốt lõi suy yếu thì nhiều doanh nghiệp bất động sản được bù đắp nguồn thu, thậm chí thu lãi lớn nhờ hoạt động tài chính.
Bên cạnh một số "ông lớn" báo lãi và doanh thu hàng nghìn tỷ đồng thì không ít doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ chật vật thoát lỗ nhờ thu nhập bất thường không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Tại BCTC hợp nhất quý II/2023, Tập đoàn Đất Xanh (MCK: DXG) ghi nhận doanh thu thuần gần 714 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ.
Điểm sáng trong quý của Đất Xanh là doanh thu tài chính tăng đột biến 74% đạt hơn 342 tỷ đồng, chủ yếu tăng do lãi từ thanh lý đầu tư. Đó là lý do công ty vẫn lãi sau thuế đạt hơn 157 tỷ đồng, giảm 40% cùng kỳ.
Tương tự là CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (MCK: SJS) với doanh thu thuần chỉ 12,8 tỷ đồng, giảm tới 72% cùng kỳ. Tuy nhiên, hoạt động tài chính giúp SJS mang về hơn 108 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ âm 3,3 tỷ đồng). Theo thuyết minh, SJS lãi lớn từ chuyển nhượng cổ phần. Qua đó, lãi ròng quý II doanh nghiệp đạt mức 57,8 tỷ đồng, tăng gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Dù doanh thu thuần chỉ 5,1 tỷ đồng nhưng Bất động sản Phát Đạt (MCK: PDR) tiếp tục thoát lỗ trong quý II nhờ doanh thu tài chính ở mức gần 532 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ chỉ 1 tỷ đồng).
Theo thuyết minh, đây phần lớn là lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con với hơn 531 tỷ đồng. Khả năng cao đây là số tiền PDR nhận được từ Danh Khôi Holdings, sau khi Công ty chuyển nhượng 99,86% vốn điều lệ của công ty con CTCP Địa ốc Sài Gòn - KL (Sài Gòn - KL) - chủ đầu tư dự án Astral City tại Bình Dương cho đối tác này.
Kết quả, Phát Đạt báo lãi ròng quý II đạt 275 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng cải thiện hơn rất nhiều so với số lỗ 229 tỷ đồng trong quý IV/2022 và lãi 22 tỷ đồng trong quý I/2023.
Theo Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) kết hợp cùng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thực trạng nguồn cung bất động sản nhà ở trong thời gian qua được mô tả là “nghèo nàn, kém hấp dẫn, thiếu hụt”. Các chủ đầu tư có sẵn “hàng” thì “đóng giỏ” chờ thị trường tích cực hơn, phần lớn chủ đầu tư còn lại vẫn đang luẩn quẩn trong khâu hoàn thiện pháp lý hoặc không đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.