Những đại gia bất động sản 'ôm' hàng tồn kho nhiều nhất 9 tháng đầu năm 2024
Trong số các doanh nghiệp bất động sản nhà ở có lượng hàng tồn kho nhiều nhất 9 tháng đầu năm 2024, có 2 doanh nghiệp sở hữu trên 100.000 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp trên 50.000 tỷ đồng, 2 doanh nghiệp trên 20.000 tỷ đồng.
Loạt đại gia "ôm" hàng tồn kho nhiều nhất
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024 của doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần Địa ốc Nova (Novaland, mã: NVL, sàn HoSE) tiếp tục dẫn đầu về tồn kho với hơn 145.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.
So với tổng tài sản tại thời điểm 30/9/2024 ở mức 232.029 tỷ đồng, hàng tồn kho của NVL đang chiếm tới 62,4% tổng tài sản. Trong đó, phần lớn là tồn kho bất động sản để bán đang xây dựng gần 137.000 tỷ đồng; còn bất động sản để bán đã xây dựng hoàn thành là gần 8.500 tỷ đồng.
Cũng sở hữu hàng tồn kho trên 100.000 tỷ đồng là Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) với gần 128.230 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% so với đầu năm. Dù vậy, số hàng tồn kho này chỉ chiếm 16,2% trong quy mô tài sản hơn 790.000 tỷ đồng của Vingroup.
Cũng thuộc họ Vin là CTCP Vinhomes (mã: VHM) với hàng tồn kho tại cuối quý III/2024 đạt xấp xỉ 58.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và chỉ chiếm 11% tổng tài sản. Tồn kho của VHM chủ yếu là các bất động sản để bán đang xây dựng bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và phát triển dự án khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 - 3, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City và một số dự án khác.
Trong nhóm doanh nghiệp "ôm" hàng tồn kho trên 20.000 tỷ đồng đều là các chủ đầu tư tiếng tăm trên thị trường. Cụ thể, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã KDH) nắm gần 22.450 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm và chiếm tới 71% tổng tài sản.
Gần như toàn bộ tồn kho là bất động sản dở dang đang triển khai. Cụ thể, tại dự án Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo chiếm 6.650 tỷ đồng; dự án Bình Trưng - Bình Trưng Đông chiếm 4.329 tỷ đồng, dự án Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông 3.543 tỷ đồng.... Tồn kho của các dự án này là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất của các dự án đang được thế chấp ngân hàng.
Hay như, CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) với tồn kho vượt 20.300 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm và chiếm 68% tổng tài sản. Các dự án tồn kho nhiều nhất là Izumi 8.717 tỷ đồng; Waterpoint giai đoạn 1 với 3.741 tỷ đồng...
Trong nhóm nắm giữ hàng tồn kho trên 10.000 tỷ đồng, Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) nắm gần 13.830 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm và chiếm 48% tổng tài sản. DXG không liệt kê chi tiết tồn kho tại các dự án, chỉ biết, bất động sản dở dang ở mức 11.331 tỷ đồng.
Cuối cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) với tồn kho 12.853 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm và chiếm 56,7% tổng tài sản. Trong đó, chiếm nhiều nhất là dự án River City gần 3.598 tỷ đồng, Dự án Thuận An 1 và Thuận An 2 chiếm 2.580 tỷ đồng....
Hàng tồn kho chiếm quá nửa tổng tài sản
Trong số những cái tên kể trên, có thể thấy không ít doanh nghiệp sở hữu lượng hàng tồn kho chiếm trên 50% tổng tài sản. Đó là NVL (62%), KDH (71%), NLG (68%), PDR (57%).
Tuy nhiên, một cái tên khác có hàng tồn kho chiếm tới 91% tổng tài sản đó là CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLand (mã HLD, sàn HNX) với 1.721 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với đầu năm.
Còn tại CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD4 (mã: HU4, sàn UPCoM) với 582 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 10% so đầu năm nhưng chiếm 80% tổng tài sản.
Cũng nằm trong nhóm này còn có CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG) với tồn kho chiếm 74% tổng tài sản, đạt gần 7.923 tỷ đồng, giảm 2% so đầu năm.
Hà Ly