Những đại gia 'ôm' tiền mặt khổng lồ trong quý III/2023
PV Gas là đại gia tiền mặt "khủng" nhất sàn chứng khoán với 39.759 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. Xếp sau là các "ông lớn" khác như: BSR, HPG, FPT, MWG...
Thống kê báo cáo tài chính quý III/2023 của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (trừ ngân hàng, bảo hiểm) cho thấy nhiều "đại gia" tích lũy tiền mặt vô cùng dồi dào. Các khoản này được tính là tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn dưới 1 năm. Nhờ hàng nghìn hay thậm chí chục nghìn tỷ tiền mặt tích lũy, khoản lãi tiền gửi đóng góp đáng kể vào lợi nhuận doanh nghiệp cuối kỳ.
Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas, MCK: GAS) đang là "đại gia" tiền mặt số 1 trên sàn chứng khoán với lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất lên tới 39.759 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. Con số này tăng 16% so với đầu năm và chiếm tới 46% tổng tài sản của GAS. Sau 9 tháng, khoản tiền gửi ngân hàng này đã đem về cho công ty hơn 1.570 tỷ đồng lãi.
Xếp thứ 2 là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (MCK: BSR) với 36.469 tỷ đồng, chiếm 41% tổng tài sản. Với việc tăng lượng tiền tích lũy thêm 45% so với thời điểm đầu năm và tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với quý liền trước cho thấy nguồn tiền nhàn rỗi của BSR rất dồi dào.
Tiếp theo là Tập đoàn Hòa Phát (MCK: HPG) sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi 29.653 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD, giảm 14% so với đầu năm. Trong đó, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đem 19.957 tỷ đồng gửi ngân hàng ngắn hạn và 9.696 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
CTCP Tập đoàn FPT (MCK: FPT) không chỉ là "ông lớn" ngành bán lẻ mà cũng là đại gia tiền mặt. Đến cuối quý III, tập đoàn này có tổng cộng 26.769 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm 43% tổng tài sản, tăng hơn 7.000 tỷ chỉ sau 9 tháng đầu năm.
Một doanh nghiệp bán lẻ khác là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MCK: MWG) cũng sở hữu 54% tổng tài sản là tiền nhàn rỗi. Đến cuối quý III, MWG đang nắm 23.252 tỷ đồng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tăng thêm hơn 15.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền gửi khổng lồ đã mang về cho Thế Giới Di Động đến hơn 1.300 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm nay và góp phần lớn giúp doanh nghiệp này thoát lỗ.
Trong nhóm nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi còn có Tập đoàn Vingroup với 23.654 tỷ đồng, bao gồm: 16.882 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và 6.772 tỷ đồng gửi ngân hàng ngắn hạn. Hay như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, MCK: SAB) với 22.388 tỷ đồng gồm 19.998 tỷ đồng gửi ngân hàng và 2.391 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ như: Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam với 19.066 tỷ đồng, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel 18.221 tỷ đồng với, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam với 16.303 tỷ đồng, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 6.759 tỷ đồng…