Những điều cần biết để đăng ký xác thực khuôn mặt với ngân hàng nhanh nhất, dễ thực hiện nhất

Chỉ còn vài ngày nữa, Quyết định 2345/QĐ-NHNN nhằm triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ, trong đó có quy định mới về xác thực sinh trắc học khuôn mặt sẽ chính thức có hiệu lực.

Những điều cần biết để đăng ký xác thực khuôn mặt với ngân hàng nhanh nhất, dễ thực hiện nhất- Ảnh 1.

Theo đó, từ ngày 1/7, khi khách hàng có nhu cầu giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khuôn mặt. Dữ liệu sinh trắc học mà các ngân hàng thu thập được buộc phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân (CCCD) do chính cơ quan công an công an cấp; hoặc xác thực bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh điện tử tạo lập; hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu của tổ chức cung ứng dịch vụ đã được kiểm tra, đối chiếu với căn cước công dân gắn chip, VneID.

Hiện các ngân hàng thương mại đang ráo riết hoàn tất việc thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý. Liên tục các thông báo kêu gọi khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học, tuy nhiên đến hiện tại vẫn còn nhiều người vẫn chưa thực hiện thành công với nhiều lý do. Bên cạnh những khách hàng chưa biết đến quy định mới, những người lớn tuổi không thao tác thành thạo công nghệ thì còn nhiều lý do khác như xác thực khuôn mặt không đúng yêu cầu, điện thoại không có công nghệ NFC,…

Không thực hiện cập nhật qua link lạ

Trước khi thực hiện đăng ký sinh trắc học khuôn mặt, khách hàng cần lưu ý tuyệt đối không cập nhật dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác ứng dụng chính thức của ngân hàng. 

Chẳng hạn tại BVBank, trong thông báo, Ngân hàng này nhấn mạnh, nhằm đảm bảo việc xác thực sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng được bảo mật, BVBank khuyến nghị khách hàng nâng cao cảnh giác, không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác. BVBank cũng sẽ không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường link.

Khách hàng không cần phải đăng nhập vào đường link nào, mà chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng Ngân hàng số Digimi của ngân hàng sẽ dễ dàng nhìn thấy thông báo yêu cầu cài đặt xác thực sinh trắc học khuôn mặt. Hoặc, khách hàng có thể đến điểm giao dịch gần nhất của BVBank để được hỗ trợ trong các trường hợp không cài đặt được.

Xác thực khuôn mặt đúng hướng dẫn

Bước tiếp theo, khách hàng chụp mặt trước và mặt sau căn cước công dân gắn chip. Lưu ý, CCCD nên được đặt trên bề mặt phẳng, không bị loá sáng, chụp rõ nét.

Tiếp tục, khách hàng thực hiện quét CCCD bằng công nghệ NFC trên thiết bị di động. Bạn đưa CCCD lại gần, di chuyển chậm dọc theo điện thoại cho đến khi 2 chip (chip trên CCCD và trên điện thoại) tìm thấy nhau. Lưu ý không nên di chuyển CCCD quá nhanh, nên giữ 3-4 giây để ứng dụng Ngân hàng số Digimi đọc thông tin trên chip CCCD.

Bước cuối cùng là xác thực khuôn mặt. Trên ứng dụng Ngân hàng số Digimi sẽ có hướng dẫn cụ thể, khách hàng chỉ cần làm theo đúng hướng dẫn, làm chậm và giữ vài giây để tránh phải làm lại nhiều lần.

Những điều cần biết để đăng ký xác thực khuôn mặt với ngân hàng nhanh nhất, dễ thực hiện nhất- Ảnh 2.

Hướng dẫn xác thực sinh trắc học khuôn mặt đơn giản với 4 bước của BVBank

Khách hàng không có điện thoại hỗ trợ NFC cần làm gì?

Đối với khách hàng có CCCD gắn chip nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, khách hàng cần đến quầy giao dịch và khớp dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chíp của thẻ CCCD thông qua thiết bị/điện thoại đọc CCCD gắn chip của ngân hàng.

Khách hàng ít khi giao dịch trên 10 triệu đồng không cần quá lo lắng

Những điều cần biết để đăng ký xác thực khuôn mặt với ngân hàng nhanh nhất, dễ thực hiện nhất- Ảnh 3.

Với những khách hàng ít khi giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng không cần quá lo lắng nếu chưa hoàn tất cập nhật dữ liệu sinh trắc học trước ngày 1/7. Sau ngày 1/7, các giao dịch giá trị dưới 10 triệu đồng/lần, tổng số tiền dưới 20 triệu đồng/ngày vẫn được được thực hiện bình thường, không yêu cầu xác thực khuôn mặt. Khách hàng hoàn toàn có thể cập nhật sau ngày 1/7 khi có nhu cầu giao dịch trên 10 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, xác thực sinh trắc học khuôn mặt là công nghệ sẽ giúp giảm thiểu tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra trong thời gian qua. Theo lý giải của đại diện BVBank, xác thực sinh trắc học bằng công nghệ NFC là công nghệ sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối thiết bị (smartphone, tablet…) với căn cước công dân gắn chip để chuyển đổi dữ liệu nhằm nhận diện và xác minh cá nhân thông qua đặc điểm sinh học là hình ảnh khuôn mặt. Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất, đảm bảo an toàn cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch tài chính. Việc này sẽ ngăn chặn việc truy cập trái phép và hạn chế tối đa khả năng bị lừa đảo, mang lại sự an tâm và tin tưởng cho người dùng khi giao dịch trực tuyến, đặc biệt là các giao dịch chuyển khoản có giá trị cao.

Giải pháp này cũng cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Điều này không chỉ bảo vệ tài khoản của khách hàng mà còn giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro gian lận.

Lan Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT