Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Những dòng tiền đổ về bên thứ 3 để đầu tư vào dự án Sài Gòn Bình An

Phạm Thị Tâm

Sau khi về tay Masterise, dự án Sài Gòn Bình An được nhiều doanh nghiệp đầu tư. Để có vốn, các doanh nghiệp này đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng thông qua kênh phát hành trái phiếu với mục đích nhận chuyển nhượng dự án.

du-an-sai-gon-binh-an-he-mo-cach-huy-dong-von-cua-him-lam-va-masterise-antt-1689150214.PNG
Phối cảnh Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.

Vay vốn để chuyển bên thứ 3 đầu tư dự án Sài Gòn Bình An

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017.

Theo TTCP, có 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng. Có thể kể đến như: CTCP Đầu tư Hồng Bàng, CTCP Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, CTCP Đầu tư TMDV Nam Thắng, CTCP Thương mại xây dựng Công Phúc, CTCP Hạ tầng Bảo Tín, CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, CTCP Việt Hà, CTCP Hiệp Ân.

Số doanh nghiệp trên vay vốn rồi nhận chuyển nhượng và đầu tư vào cùng dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An. 9 doanh nghiệp này không có mối quan hệ liên quan theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án, mà vay vốn để chuyển cho bên thứ 3 qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.

Theo TTCP, ngân hàng chỉ thẩm định năng lực tài chính với khách hàng vay vốn thay vì đơn vị thực hiện dự án. Việc này dẫn tới tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng.

Về dự án Sài Gòn Bình An, tháng 1/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 57/QĐ- TTg thu hồi 139,78 ha đất tại phường An Phú và giao cho CTCP Đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI Corp) sử dụng 137,44 ha đất trong diện tích đất thu hồi để đầu tư xây dựng dự án.

Theo quy hoạch, dự án được chia làm 2 khu vực: Khu nhà ở diện tích 22 ha với 193 nền nhà biệt thự, nhà liên kế sân vườn và 2 blocks chung cư với 132 căn hộ cao cấp và 8 căn penthouse; Khu liên hợp sân golf rộng hơn 92 ha với các công trình như câu lạc bộ sân golf, khu nghỉ dưỡng spa, sân golf 18 lỗ, khách sạn 400 phòng…

Tới tháng 10/2015, UBND TP. HCM ban hành quyết định số 6292/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu đô thị Sài Gòn Bình An, giảm diện tích xuống còn 117,4 ha.

SDI Corp thành lập từ năm 1999, nhiều năm liền được biết tới là thành viên của một ông lớn trong ngành bất động sản. Sau thời gian dài "ngủ quên", ngày 18/3/2021, dự án Sài Gòn Bình An chính thức được khởi công, nhiều hạng mục hạ tầng nội khu của dự án Sài Gòn Bình An hiện đã được xây dựng.

Đặc biệt, đến tháng 8/2021, SDI Corp thay đổi đăng ký kinh doanh và chuyển giao nhân sự nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Đây cũng là lúc dự án được đồn đoán về tay Masterise Homes.

Masterise và những lô trái phiếu nghìn tỷ

Sự xuất hiện của bà Mai Thị Kim Oanh - cựu Trưởng BKS của Tập đoàn Masterise trong cương vị Chủ tịch HĐQT SDI Corp cho thấy, tin đồn về việc dự án Sài Gòn Bình An được Masterise hoàn toàn có cơ sở.

Sau khi đổi chủ, từ tháng 7/2021 đến đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu có trị giá cả tỷ USD với mục đích đầu tư vào dự án này.

Cụ thể, thông qua 3 công ty là CTCP Osaka Garden, CTCP Hoàng Phú Vương và CTCP Hoa Phú Thịnh, đã có 15.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành vào ngày 30/7 và ngày 4/10/2021 với mục đích đặt cọc nhận chuyển nhượng một phần dự án Sài Gòn Bình An.

Vào tháng 1/2022, chính SDI Corp đã phát hành thành công 6.574,6 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bao gồm CTCP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh, CTCP Airlink và CTCP WorldWide Capital, đã có 6 lô trái phiếu được phát hành vào cuối quý 1/2022, hút về 10.830 tỷ đồng. Cả 6 lô trái phiếu nêu trên đều có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 30/9/2023.

Dữ liệu của PV cho thấy, các công ty Kiến Hưng Thịnh, Airlink và WorldWide Capital đồng loạt thế chấp tất cả các quyền tài sản và khoản phải thu phát sinh từ việc đặt cọc và nhận chuyển nhượng dự án thành phần từ CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) tại một ngân hàng tư nhân trong nước.

Chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An - SDI Corp báo lỗ gần 3.100 tỷ

Theo công bố Báo cáo tài chính năm 2022 của SDI Corp, tính đến ngày 31/12/2022, công ty này có vốn chủ sở hữu giảm gấp 5 lần so với năm trước, về còn 749 tỷ đồng, nguyên nhân là do công ty báo lỗ hơn 3.096 tỷ đồng.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh tài chính của SDI là quy mô tài sản tại cuối năm 2022 đạt mức 97.130 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả tại cuối năm 2022 lại lên tới 96.382 tỷ đồng, chiếm 99% cấu thành tài sản của SDI.

PV