Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Những gia đình doanh nhân nổi tiếng và quyền lực bậc nhất Việt Nam

Phạm Thị Tâm

Nhiều tập đoàn có dấu ấn gia đình kinh doanh đa ngành nghề, thậm chí xây dựng nên "đế chế" hùng mạnh trong nhiều lĩnh vực.

"Đế chế" Xuân Thành

Tập đoàn Xuân Thành tiền thân là Tổ hợp xây dựng Bình Minh, được thành lập vào năm 1976, do ông Nguyễn Xuân Thành làm chủ nhiệm. Đến năm 1992, Tổ hợp được nâng cấp thành Xí nghiệp xây dựng và cung ứng vật liệu Xuân Thành và đến tháng 7/2009, Xí nghiệp mở rộng kinh doanh theo hướng đa ngành và đổi tên thành Tập đoàn kinh tế Xuân Thành.

nhung-gia-dinh-doanh-nhan-noi-tieng-va-quyen-luc-bac-nhat-viet-nam-antt-1-1687940645.PNG
Ba anh em doanh nhân Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Đức Thuỵ, Nguyễn Xuân Thủy.

Tại Ninh Bình, ông Nguyễn Xuân Thành được biết đến là một doanh nhân tên tuổi khi gây dựng được tập đoàn đa ngành và có tầm ảnh hưởng trên địa bàn. Doanh nghiệp của vị doanh nhân này đã xây dựng Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình; Bệnh viện Đa khoa tỉnh 700 giường bệnh; Nhà máy xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình; Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh 900 giường bệnh, Công trình đê tả sông Hoàng Long; Trụ sở liên cơ quan Tỉnh ủy; Đê hữu Đáy Ninh Bình; Đường cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biển Bình Sơn - Lai Thành (ĐT 480);…

Đúng với câu "Hổ phụ sinh hổ tử", ông Nguyễn Xuân Thành có những người con xuất sắc không kém cạnh cha mình khi nối gót cha trở thành doanh nhân có tiếng trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thiện - con trai cả của đại gia Xuân Thành, hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuân Thiện (Xuân Thiện Group). Xuân Thiện đang là mũi nhọn của Tập đoàn Xuân Thành khi được giao triển khai các dự án về thủy điện, xi măng của tập đoàn này. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng khi đầu tư 2 khách sạn 5 sao với quy mô 1.000 phòng.

Doanh nhân Nguyễn Đức Thuỵ (hay bầu Thuỵ) không phải là cái tên xa lạ trước giới kinh doanh và cả những người hâm mộ bóng đá. Bầu Thuỵ là người sáng lập Công ty CP Thaiholdings và hiện đang là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.

Năm 2007, bầu Thụy được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Tập đoàn mẹ, tức Tập đoàn Xuân Thành (sau đổi tên thành Thaigroup). Với nền tảng tài chính dồi dào nhờ làm xi măng, bầu Thụy đã lấn sân sang khá nhiều lĩnh vực khác nhau như bóng đá, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng,...

Tên tuổi của bầu Thụy cũng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thông qua hàng loạt thương vụ đình đám như: chi hơn 1.000 tỷ đồng để sở hữu hơn một nửa khu "đất vàng" Khách sạn Kim Liên (đường Đào Duy Anh, Hà Nội); cuộc "đảo vai mẹ - con" giữa Thaiholdings và Thaigroup;...

Ngoài những người con nổi tiếng trên truyền thông, được nhiều người biết đến. Ông Nguyễn Xuân Thành còn những người con trai khác vẫn đang "lặng lẽ" lèo lái doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của gia đình như: ông Nguyễn Văn Thùy - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bảo hiểm Xuân Thành (XTI); hay Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Đức Hạnh,...

IPP Group

nhung-gia-dinh-doanh-nhan-noi-tieng-va-quyen-luc-bac-nhat-viet-nam-antt-4-1687940775.PNG
Các thành viên trong gia đình "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn- Chủ tịch tập đoàn Imex Pan Pacific Group (IPP), là người đứng đầu một trong những gia đình kinh doanh đình đám nhất Việt Nam. Được biết đến với cái tên "Vua hàng hiệu", ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người đứng sau hàng loạt thương hiệu xa xỉ ở các trung tâm thương mại đắt đỏ và các cửa hàng miễn thuế ngoài sân bay.

Tập đoàn IPP kiểm soát một phần lớn thị trường Việt Nam trong việc phân phối hơn 28 thương hiệu lớn trong đó có các nhãn hiệu có tên tuổi như Salvatore Ferragamo, Versace, Bally, Burberry, Rolex, Cartier... hay các thương hiệu thời trang tầm trung như Nike, GAP, Banana Republic, Diesel, Tommy Hilfiger...

Nếu tính riêng nhóm cao cấp thì tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông chiếm khoảng 70% thị phần, còn nếu tính toàn bộ dòng trung – cao cấp thì khoảng 40%.

Ngoài ông Hạnh Nguyễn, các thành viên khác trong gia đình cũng tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Hiện, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - vợ ông Hạnh Nguyễn, đang là Tổng Giám đốc IPP Group và nắm giữ phần lớn cổ phần tập đoàn này.

Mỗi người con của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn được đào tạo theo một hướng và được giao phục trách những mảng khác nhau tại IPPG. "Mỗi đứa con trong gia đình, tôi đào tạo theo một hướng. Phillip Nguyễn chuyên về hàng không, Thảo Tiên chuyên về phân phối hàng hiệu xa xỉ, Louis Nguyễn chuyên về hàng hiệu thứ cấp. Còn William Hiếu Nguyễn chuyên về AI, công nghệ. Sau này, cậu bé sẽ phụ trách kỹ thuật các dự án fintech của trung tâm tài chính”, Chủ tịch IPPG trong một lần chia sẻ trước giới truyền thông.

Gia đình tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng

nhung-gia-dinh-doanh-nhan-noi-tieng-va-quyen-luc-bac-nhat-viet-nam-antt-2-1687940645.PNG
Ông Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch Vingroup.

Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách tỷ phú USD thế giới của tạp chí Forbes.

Khởi nghiệp bằng hoạt động kinh doanh trong cộng đồng người Việt tại Ukraina, ông Vượng về Việt Nam đầu tư và phát triển Tập đoàn Vingroup kinh doanh đa ngành từ khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng và các tòa tháp văn phòng, trung tâm thương mại cao cấp, y tế, giáo dục... với hàng loạt thương hiệu lớn như Vincom, Vinpearl, Vinhomes, hay y tế, giáo dục như Vinmec, Vinschool…

Không chỉ có ông Vượng, những người thân trong gia đình ông cũng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Vingroup.

Vợ ông là bà Phạm Thu Hương cùng em gái là Phạm Thu Hằng đều là Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.

Phạm Nhật Quân Anh- "cậu cả" nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng sinh năm 1993, có trình độ chuyên môn cử nhân quản trị kinh doanh; đã tham gia và sở hữu một lượng cổ phần nhất định tại một số công ty trong hệ sinh thái Vingroup.

Trong một lần chia sẻ với báo chí về các con của mình, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, Phạm Nhật Quân Anh được theo chân bố mình cũng như các "lão tướng" trong tập đoàn, "nghe xem các chú các bác, rồi bố làm việc như thế nào" để học hỏi kinh nghiệm.

Trần gia - Kido

nhung-gia-dinh-doanh-nhan-noi-tieng-va-quyen-luc-bac-nhat-viet-nam-antt-3-1687940631.PNG
Tại Tập đoàn Kido, 2 nhà sáng lập là Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành cùng em trai Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên và các thành viên trong gia đình đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn.

Với 30 năm "lăn lội" trên thương trường, anh em ông Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên đã điều hành Tập đoàn KIDO phát triển cùng các “trận đánh" trong mảng thực phẩm.

Được biết, hai anh em ông Thành khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất bánh snack nhỏ ở TP.HCM năm 1993, sau đó gây dựng được tên tuổi trong thị trường bánh kẹo.

Bước đột phá đầu tiên của 2 anh em ông Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên là thương vụ đầu tư hơn 1 triệu USD năm 1996 để nhập dây chuyển sản xuất bánh mì, bánh bơ và tạo ra bước nhảy vọt về doanh thu.

Năm 2002, Kinh Đô cho ra đời bánh trung thu, tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường về chất lượng, qua đó tạo dựng thương hiệu.

Tại Tập đoàn Kido, 2 nhà sáng lập là Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành cùng em trai Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên và các thành viên trong gia đình đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn.

Tính đến ngày 31/12/2022, ông Trần Lệ Nguyên đang sở hữu 13,23% vốn tại Kido, trong khi đó, ông Trần Kim Thành lại chỉ nắm giữ 0,2%. Tuy nhiên, hai pháp nhân Công ty TNHH Đầu tư Kido và Công ty TNHH MTV PPK do doanh nhân này làm Chủ tịch đều là cổ đông lớn tại Kido khi nắm giữ tổng cộng 16,14% cổ phần.

Tỷ lệ sở hữu trực tiếp của bà Vương Bửu Linh- vợ ông Trần Kim Thành tại Kido là 0,91%. Tương tự chồng, bà Linh thông qua pháp nhân Công ty TNHH Đầu tư Vinh Linh quản lý thêm 4,85% cổ phần tập đoàn gia đình.

Ngoài Chủ tịch và Tổng Giám đốc Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên, gia đình họ Trần còn có nhiều người nắm giữ vị trí chủ chốt tại Kido. Hai người vợ của ông Thành và ông Nguyên là bà Vương Bửu Linh và bà Vương Ngọc Xiềm đều là thành viên HĐQT, kiêm Phó Tổng Giám đốc Kido.

Ngoài ra, ông Trần Quốc Nguyên, em trai của 2 ông Thành - Nguyên cũng là thành viên HĐQT Kido và là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Kido.

Đỗ gia và mối quan hệ giữa Doji & TPBank

nhung-gia-dinh-doanh-nhan-noi-tieng-va-quyen-luc-bac-nhat-viet-nam-antt-5-1687940916.PNG
Ông Đỗ Minh Phú (bên trái) và em trai Đỗ Anh Tú. Ảnh: Doji

Đỗ gia là một trong những gia tộc giàu có nổi tiếng ở Việt Nam với truyền thống kinh doanh, nổi bật là cố doanh nhân Đỗ Thế Sử. Các người con của ông Sử đều là những doanh nhân đình đám hoặc là giáo sư tiến sĩ đầu ngành.

Trong đó, phải kể đến ông Đỗ Minh Phú- Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, MCK: TPB) và ông Đỗ Anh Tú- Phó chủ tịch HĐQT TPBank và Tổng Giám đốc Công ty CP Diana.

Hai anh em ông Phú chính là những người đã thành lập Công ty Diana, sau đó bán 95% vốn cho tập đoàn gia dụng Nhật Bản Unicharm. Số tiền từ thương vụ này giúp 2 doanh nhân họ Đỗ mua lại cổ phần tại Tienphong Bank, sau đổi tên thành TPBank (TPB).

Theo báo cáo quản trị năm 2022, ông Tú sở hữu hơn 58,64 triệu cổ phiếu TPB (tương ứng tỷ lệ 3,71%). Ngoài ra, vợ và các con của ông Tú cũng sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu TPB với tổng tỷ lệ 6,5%.

Hai con của ông Đỗ Minh Phú hiện cũng đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu tại TPBank. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, ông Đỗ Minh Đức và bà Đỗ Vũ Phương Anh có cùng sở hữu gần 17,6 triệu TPB, tương ứng tỷ lệ 1,11%.

Bạch Hiền (t/h)