Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Những hãng hàng không Việt bị 'khai tử' khi chưa thể cất cánh

Hà Thị Lưu Luyến

Trong lịch sử hàng không Việt, có nhiều hãng bay từng phá sản chỉ sau thời gian ngắn hoạt động. Thậm chí, có hãng bay bị "khai tử" khi chưa thể cất cánh chuyến bay đầu tiên.

Những năm 2006 - 2007 đánh dấu sự sôi động của hàng không Việt Nam khi có hàng loạt hãng hàng không tư nhân gia nhập thị trường như Vietjet Air, Indochina Airlines, Trai Thien Air Cargo, Air Mekong, Blue Sky.

Tuy nhiên đến nay chỉ có Vietjet Air vẫn hoạt động bền bỉ dù kết quả kinh doanh cũng thường xuyên thua lỗ. Trong khi đó, nhiều hãng bay cùng thời đã 'chết yểu' từ lâu.

Trai Thien Air Cargo bị "khai tử" khi chưa thể cất cánh

Trai Thien Air Cargo được thành lập ngày 11/6/2008, với số vốn đăng ký 500 tỷ đồng. Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép chuyên vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện nội địa và quốc tế, trọng tâm là thị trường nội địa Bắc Nam và thị trường Đông Nam Á, thị trường Đông Bắc Á.

Theo hồ sơ thành lập, Trai Thien Air Cargo khai thác loại máy bay Boeing 737-300 Freighter được chuyển đổi từ máy bay chở khách sang chở hàng do các cơ sở kỹ thuật sản xuất máy bay của Boeing phê chuẩn.

Hãng hàng không này được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong nước từ tháng 10/2009. Tuy nhiên, sau 1 năm sau được cấp phép, Trai Thien Air Cargo vẫn không công bố kế hoạch sắm máy bay, lên lịch bay. Trong khi đó, nhân viên của hãng liên tục gửi đơn tố cáo về chuyện bị nợ lương.

Tháng 12/2011, hãng bay này bị rút giấy phép kinh doanh với lý do không có hoạt động khai thác.

Indochina Airlines khủng hoảng tài chính sau 3 năm

Nếu không tính Jetstar Pacific (có phần vốn góp của Nhà nước do Vietnam Airlines đại diện) thì Indochina Airlines là hãng hàng không tư nhân đầu tiên đi vào hoạt động tại Việt Nam.

Indochina Airlines của đại gia Hà Dũng được cấp phép thành lập ngày 30/5/2008 với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Hàng không Tăng Tốc, tên giao dịch quốc tế AirSpeedUp JSC, vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2008, hãng đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương - Indochina Airlines.

Ngày 25/11/2008, Indochina Airlines đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, khai thác các đường bay nội địa với nhiều kỳ vọng. Ở thời kỳ hoàng kim, Indochina Airlines khai thác khoảng 6 đường bay.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lượng khách sụt giảm nên Indochina Airlines đã phải cắt giảm một nửa số máy bay và tần suất bay cũng giảm xuống chỉ còn 2 chuyến/tuần.

Đến tháng 9/2009, cuộc khủng hoảng kéo dài khiến hãng bay này phải bỏ đường bay TP.HCM - Đà Nẵng và chỉ còn duy trì chặng bay TP.HCM - Hà Nội với một chiếc máy bay.

Ngày 31/10/2009, Indochina Airlines đã ngừng mọi hoạt động xúc tiến thương mại và trả lại cho đối tác chiếc máy bay thuê cuối cùng.

Indochina Airlines thậm chí còn phải nợ tiền xăng của Skypec (khi đó là Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam - Vinapco) và bị công ty này kiện vào cuối năm 2010.

Vào năm 2011, Indochina Airlines nợ các đối tác khoảng 60 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ xăng dầu là 25 tỷ đồng, bao gồm cả nợ gốc lẫn lãi quá hạn. Đó là chưa kể khoản nợ lượng nhân viên.

Đến cuối năm 2011, hãng bay này nộp đơn xin ngừng cất cánh và tới tháng 12/2011, Bộ Giao thông Vận tải chính thức rút giấy phép của hãng hàng không này.

Air Mekong ngừng bay sau 5 năm

Air Mekong được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không ngày 30/10/2008 và trở thành hãng hàng không tư nhân thứ ba được cấp phép tại Việt Nam, sau Indochina Airlines và Vietjet Air.

Tới tháng 10/2010, Air Mekong tổ chức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên. Sau 2 năm hoạt động, Air Mekong mở 8 đường bay, nối các điểm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Hải Phòng và Vinh.

nhung-hang-hang-khong-viet-bi-khai-tu-khi-chua-the-cat-canh-1689583725.jpg
Air Mekong hoạt động trong 5 năm, lâu nhất trong số 4 hãng hàng không "chết yểu"

Điểm khác biệt trong chiến lược kinh doanh của Air Mekong là chọn dòng máy bay thân hẹp Bombardier CRJ900 có dưới 90 chỗ ngồi, khai thác các tuyến du lịch biển.

Tới tháng 3/2013, Air Mekong xin tạm ngừng bay do nhiều yếu tố như khó khăn về tài chính, chi phí khai thác tăng cao và để tái cơ cấu máy bay.

Sau 1 tháng xin tạm ngừng bay, giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC) của Air Mekong hết hiệu lực. Sau hơn 1 năm tạm ngừng bay, Air Mekong vẫn không có bất cứ động thái nào cho thấy sẽ bay trở lại và không đủ điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định.

Air Mekong cũng nợ gần 26 tỷ đồng của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Số nợ này phát sinh từ hợp đồng cung cấp dịch vụ cất/hạ cánh, bãi đỗ...

Đến ngày 6/1/2015, Bộ GTVT đã quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Air Mekong.

Blue Sky cấp phép 10 năm vẫn "chưa chịu bay"

Công ty Cổ phần Hàng không Bầu Trời Xanh (Blue Sky) là hãng bay "sinh sau đẻ muộn" nhưng cũng không tồn tại được lâu. Hãng bay này được cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung vào ngày 8/6/2010.

Blue Sky đăng ký khai thác hơn 20 tuyến du lịch trong nước. Hãng dự kiến khai thác các loại máy bay như trực thăng, thủy phi cơ và các loại máy bay cánh bằng khác.

Tuy nhiên 10 năm sau khi được cấp phép, Blue Sky vẫn chưa được cấp AOC và chưa có hoạt động khai thác bay.

Tháng 10/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung số 01/GP-CHK của Cục Hàng không Việt Nam cấp cho Blue Sky. Nguyên nhân là vì đã quá hạn mà Blue Sky chưa được cấp AOC cũng như chưa có hoạt động khai thác bay.

Theo quy định, giấy phép kinh doanh hàng không chung bị hủy bỏ nếu không được cấp AOC trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép này.