Những lần mang đất đi góp vốn của VEAM

Với lợi thế là doanh nghiệp Nhà nước, nắm giữ nhiều tài sản là những khu đất “vàng” tại Thủ đô cũng như các tỉnh thành khác, không ít lần VEAM đã mang quyền sử dụng đất đi để góp vốn hợp tác đầu tư.

Ngày 20/5 tới đây, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, MCK: VEA) sẽ chốt danh sách cổ đông để tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Đại hội dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20/6.

VEAM là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó Bộ Công Thương sở hữu 88,5% vốn.

Là doanh nghiệp Nhà nước, VEAM có lợi thế nắm giữ nhiều tài sản là những khu đất tại Thủ đô cũng như các tỉnh thành khác như Lô D, khu D1, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội rộng 2.734m2 hiện là toà nhà VEAM Tây Hồ; Văn phòng làm việc (51,8m2 tầng 1 và 281m2 sàn tầng 4 tại tòa nhà liên cơ số 2 Triệu Quốc Đạt, Tràng Thi; 920m2 đất số 25 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ, Đống Đa; Khu đất hơn 28,8ha làm cơ sở sản xuất kinh doanh nhà máy ô tô VEAM tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa; Nhà đất số 37 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM…

nhung-lan-mang-dat-di-gop-von-cua-veam-antt-1716028696.jpg
Toà nhà VEAM Tây Hồ.

Theo bản thông tin tóm tắt của VEAM năm 2018, lô đất địa chỉ tại Lô D, khu D1, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội rộng 2.734m2 của Công ty mẹ được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất (đất trúng đấu giá), toàn bộ quyền sử dụng đất đã được tổng công ty góp vốn để thành lập CTCP Đầu tư VEAM Tây Hồ (tổng công ty sở hữu 29% vốn) để xây dựng Toà nhà VEAM Tây Hồ.

Ngoài ra, công ty con của VEAM là Công ty TNHH MTV Máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC) sở hữu khu đất hơn 3,6ha tại số 4 phố Chu Văn An (phường Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội).

Khu đất này từ năm 2010 đã được TAMAC mang đi hợp tác đầu tư cùng CTCP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (CIRI) để làm dự án tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở Five Star Hà Đông.

Để thực hiện dự án, TAMAC và CIRI lập ra công ty dự án là Công ty TNHH Năm Sao Hà Nội. Đáng chú ý, ngành nghề kinh doanh chính của Năm Sao Hà Nội là Hoạt động xây dựng chuyên dụng khác mà không phải kinh doanh bất động sản.

Năm sao Hà Nội được thành lập vào tháng 4/2011 với vốn điều lệ ban đầu là 172 tỷ đồng, trong đó TAMAC góp 44,72 tỷ đồng nắm 26% vốn điều lệ, 74% vốn còn lại thuộc sở hữu của CIRI. Người đại diện pháp luật hiện nay là ông Ngân Văn Chuyên - được biết đến là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn GFS.

Tháng 10/2017, Năm Sao Hà Nội có đợt tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Theo đăng ký thay đổi, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không thay đổi, TAMAC góp 130 tỷ đồng năm 26% và CIRI góp 370 tỷ đồng nắm 74%.

Tuy nhiên, BCTC năm 2017 của VEAM ghi nhận, công ty chỉ đầu tư 44,81 tỷ đồng vào Năm Sao Hà Nội và đến quý I/2024, giá gốc của khoản đầu tư này là 45,112 tỷ đồng (bằng giá trị đánh giá lại của năm 2017).

Một thương vụ mang đất đi góp vốn đáng chú ý nữa có thể kể đến là, năm 2016, sau khi CTCP Cơ khí Vinh (công ty con của VEAM) di dời ra KCN Nam Cấm, thay vì trả lại hơn 40.000 m2 đất tại số 7 Mai Hắc Đế (phường Quán Bàu, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) để Nhà nước tiến hành đấu giá, Cơ khí Vinh đã liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất tại vị trí cũ tại số 7 Mai Hắc Đế.

Cụ thể, Cơ khí Vinh đã liên doanh với CTCP Golden City với điều kiện Golden City hỗ trợ Cơ khí Vinh 68 tỷ đồng để di chuyển. Từ đó, công liên doanh ra đời với tên gọi CTCP Golden City-CKV, trong đó Golden City nắm 74% cổ phần, Cơ khí Vinh nắm 26% cổ phần. Pháp nhân mới này được thành lập nhằm thực hiện dự án dự án Golden City 10 (theo quyết định số 5085/QĐ.UBND-XD ngày 02/11/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư Golden City 10 tại phường Quán Bàu, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An).

Loạt lãnh đạo VEAM vướng vào vòng lao lý

Liên quan đến vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng đất của VEAM, ngày 28/12/2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo VEAM do gây thất thoát 165 tỷ đồng khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất trái quy định. Trong đó, cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Giang và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Lâm Chí Quang cùng bị phạt 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cùng bị kết án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, bị cáo Đào Huấn Ngữ (cựu Giám đốc Công ty Đúc số 1) bị phạt 33 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Văn Khôi (cựu Ủy viên Hội đồng quản trị, kiêm Trưởng Ban kiểm soát) bị phạt 30 tháng tù nhưng được cho hưởng án treo về cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, lợi dụng việc thực hiện đề án di dời Công ty Đúc số 1 (đơn vị hạch toán phụ thuộc VEAM, do Đào Huấn Ngữ làm Giám đốc) tại số 220 Bình Thới vào khu công nghiệp theo Quyết của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các bị cáo đã bàn bạc thu lợi từ dự án xây dựng khu nhà ở và trung tâm thương mại, dịch vụ tại mặt bằng số 220 đường Bình Thới.

Từ năm 2006 - 2008, ông Nguyễn Thanh Giang, khi đó là Tổng Giám đốc đại diện VEAM, ký hợp đồng hợp tác với Công ty Phương Nam do Trần Quốc Dân, Tổng Giám đốc làm đại diện góp vốn thành lập Công ty liên doanh Đúc Phương Nam để hợp tác, đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 220 Bình Thới cho Công ty Đúc 1 và thỏa thuận VEAM có trách nhiệm chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Đúc Phương Nam.

Khi được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Đúc 1 để xây dựng nhà ở chung cư và trung tâm thương mại, Công ty Đúc Phương Nam đã ký hợp đồng với Công ty An Phú thỏa thuận việc thành lập Công ty Phú Vinh và giải thể Công ty Đúc Phương Nam.

Sau khi Công ty Đúc Phương Nam giải thể, ông Giang đề nghị và được HĐQT của VEAM gồm ông Giang và các ông Lâm Chí Quang, Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Văn Chương ban hành nghị quyết phê duyệt việc VEAM góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại số 220 Bình Thới trị giá hơn 115 tỷ đồng, đồng thời cử ông Đào Huấn Ngữ làm người đại diện phần vốn góp của VEAM tại Công ty Phú Vinh.

Ngày 5/1/2008, ông Giang đại diện VEAM ký hợp đồng hợp tác góp vốn thành lập Công ty Phú Vinh. Trong đó, VEAM góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại số 220 Bình Thới, trị giá hơn 115 tỷ đồng, chiếm 28,78% vốn điều lệ.

Sau đó, ông Ngữ cùng với Công ty Phú Vinh do Đoàn Xuân Hải đại diện ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bàn giao đất cho Công ty Phú Vinh.

Đến ngày 8/9/2008, HĐQT của VEAM họp, ra nghị quyết, quyết định chuyển nhượng số cổ phần tương ứng hơn 115 tỷ đồng cho Công ty Phương Nam. Cùng ngày, ông Giang đã ký hợp đồng chuyển nhượng số cổ phần của VEAM cho Công ty Phương Nam với giá hơn 115 tỷ đồng.

Ngày 24/10/2008, Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 2 cho Công ty Phú Vinh. Theo đó, VEAM không còn là cổ đông của Công ty Phú Vinh, không còn quyền lợi liên quan đến khu đất 220 Bình Thới.

Cáo buộc cho rằng, hành vi của các ông Lâm Chí Quang, Nguyễn Thanh Giang, Đào Huấn Ngữ thực hiện thủ tục góp vốn, chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Phú Vinh cho Công ty Phương Nam là giá trị quyền sử dụng đất của VEAM tại số 220 Bình Thới nhưng không thực hiện định giá, đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 165 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT