Những lão doanh nhân tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn tham gia điều hành công ty gia đình

Ở tuổi U80 hay thậm chí U90, đại gia Lê Ân; vợ chồng Chủ tịch Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung ông Trần Văn Sen, ông Nguyễn Quang Kinh… vẫn tràn trề nhiệt huyết, chèo lái doanh nghiệp trên con đường kinh doanh đầy khốc liệt.

Đại gia Lê Ân

Đại gia Lê Ân (SN 1937), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lê Hoàng trụ sở tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 10, Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra ông cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Trung Nghĩa kiêm Giám đốc Làng du lịch Chí Linh (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đại gia Lê Ân "khét tiếng" với thú chơi ngông, xa hoa và đời tư tốn nhiều giấy mực của báo chí. Xuất thân với hai bàn tay trắng, ông Lê Ân đã trải qua không ít khó khăn, lăn lộn đủ nghề từ may vá, nấu xà bông đến kinh doanh phế liệu, thuốc tây... hay thậm chí, từng “ra tù vào tội”.

nhung-lao-doanh-nhan-van-dieu-hanh-doanh-nghiep-o-tuoi-xe-chieu-3-1686480113.jpg
Đại gia Lê Ân

Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, vị đại gia này đều có một "bóng hồng" bên cạnh. Dù tuổi đã cao nhưng hiện lão đại gia Lê Ân vẫn là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Lê Hoàng. Ông chỉ giảm sở hữu cổ phần trong vài năm gần đây.

Ban đầu, ông nắm giữ 97,5% cổ phần, tương đương 195 tỷ đồng vốn góp nhưng đến tháng 9/2017, số cổ phần của đại gia Lê Ân và bà Mai Thị Mai ở mức ngang nhau 50-50.

Đến tháng 5/2018, ông Lê Ân chỉ còn nắm giữ 22,5 %, trong khi bà Mai Thị Mai nắm giữ 2,5%. 75% tỷ lệ sở hữu còn lại do bà Lê Thị Thắm (SN 1977) nắm giữ.

Trong những lần thay đổi đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 200 tỷ đồng. Đến nay dư luận không khỏi tò mò về thân thế của người phụ nữ nắm quyền chi phối "đế chế" của đại gia Lê Ân.

Vợ chồng Chủ tịch Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung

Ông Lê Văn Kiểm sinh năm 1945, vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, là con liệt sĩ và cũng là người lính tham gia chiến trường miền Nam khốc liệt.

Sau khi tốt nghiệp đại học Thủy Lợi (Hà Nội), ông đã gặp và đem lòng thương mến cô nữ sinh Trần Cẩm Nhung (SN 1945) - cũng là một học sinh miền Nam trên đất Bắc. Cả hai có một đám cưới giản dị vào ngày 30/4/1970.

Trong những năm Đảng và Nhà nước thực hiện công cuộc Đổi mới, vợ chồng ông Lê Văn Kiểm - bà Trần Cẩm Nhung chính thức bước vào thương trường với việc thành lập Công ty TNHH Huy Hoàng, đặt nền tảng cho sự hình thành, phát triển của Tập đoàn KN ngày nay.

Năm 2001, hai vợ chồng ông Kiểm xây dựng sân Golf Long Thành với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng, diện tích 350 ha. 

nhung-lao-doanh-nhan-van-dieu-hanh-doanh-nghiep-o-tuoi-xe-chieu-1686480141.png
Vợ chồng Chủ tịch Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung

Suốt 30 năm gây dựng sự nghiệp, gia đình ông Lê Văn Kiểm có khoảng 10 công ty, sở hữu nhiều dự án Bất động sản rải rác ở quận 2 (TP.HCM), Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt… tổng diện tích đất hàng nghìn héc-ta.

Điều đặc biệt là dù đã gần 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Kiểm vẫn trực tiếp điều hành doanh nghiệp và nắm giữ cổ phần trong hệ sinh thái kinh doanh “cực khủng”.

Cụ thể, CTCP Tập đoàn KN Holdings thành lập tháng 11/2020 với vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Hiện ông Lê Văn Kiểm nắm giữ 3,6 triệu cổ phần, tương đương 90% vốn. Bà Trần Cẩm Nhung 280.000 cổ phần, tương đương 7% vốn. Lê Nữ Thùy Dương (con gái ông Kiểm) 120.000 cổ phần, tương đương 3% vốn.

Thứ hai, không thể không nhắc tới CTCP Đầu tư Kinh doanh Golf Long Thành thành lập tháng 1/2005 vốn điều lệ là 4.325 tỷ đồng. Đến năm 2019 vốn điều lệ tăng lên gần 6.380 tỷ đồng. Từ ngày 27/4/2023, doanh nghiệp thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Lê Văn Kiểm sang bà Trần Cẩm Nhung.

Về cơ cấu cổ đông, ông Lê Văn Kiểm sở hữu 89,2%, bà Trần Cẩm Nhung 7,87%, bà Lê Nữ Thùy Dương 2,93%. Ông Kiểm làm Chủ tịch HĐQT Golf Long Thành, bà Nhung và bà Dương làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Sau khi ra đời, Golf Long Thành là pháp nhân lõi, đóng vai trò góp vốn vào các doanh nghiệp dự án trong hệ sinh thái Tập đoàn KN Investment Group của gia đình doanh nhân họ Lê.

Thứ ba, ông Lê Văn Kiểm vẫn là người đại diện pháp luật của CTCP Phát triển Khu công nghiệp Long Tân, thành lập tháng 8/2020, vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng. Cổ đông lớn là Golf Long Thành với 63 triệu cổ phần, tương đương 60% vốn. Lê Văn Kiểm 31,5 triệu cổ phần, tương đương 30% vốn. Lê Nữ Thùy Dương 10,5 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn.

Ngoài lĩnh vực bất động sản, gia đình lão doanh nhân Lê Văn Kiểm và Golf Long Thành năm 2021 đã lập ra CTCP Tập đoàn KN Energy kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, chế tạo sản xuất thiết bị cơ khí... Với số vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng, ông Lê Văn Kiểm là cổ đông lớn nhất nhất với 72 triệu cổ phần, chiếm 45%. Golf Long Thành với 48 triệu cổ phần, chiếm 30%. Bà Trần Cẩm Nhung 24 triệu cổ phần, chiếm 15%. Bà Lê Nữ Thùy Dương có 16 triệu cổ phần, chiếm 10%. Từ ngày 9/5/2023, công ty thay đổi người đại diện pháp luật là bà Trần Cẩm Nhung.

Không thua kém cánh mày râu, bà Trần Cẩm Nhung tuy sắp bước vào tuổi bát tuần, song bà vẫn sát cánh cùng chồng điều hành nhiều công ty. Có thể kể đến như: CTCP Nông nghiệp Xuân Đường, CTCP du lịch thương mại và xây dựng Trân Châu, CTCP KCN Long Đức 3, CTCP đầu tư và phát triển Long Hiệp…

“Đại gia làng Mẹo” Trần Văn Sen

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen sinh năm 1940 ở làng Phương La (làng Mẹo), xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - nơi có nghề dệt vải được gây dựng từ thế kỷ XIII gắn với quá trình dựng nghiệp của vương triều Trần. Ngay từ năm 1937, ông nội nghệ nhân Trần Văn Sen là người có công đầu đưa những tấm vải dệt từ làng Mẹo xuất khẩu sang nước Nhật. Sau này chính ông Sen giúp bà con giữ gìn nghề truyền thống rồi ứng dụng công nghệ hiện đại giúp người dân làng Mẹo có thu nhập ổn định.

Tháng 1/1992, ông Sen thành lập CTCP Tập đoàn Hương Sen kinh doanh lĩnh vực bất động sản, hàng dệt, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, sản phầm từ giấy hay tre nứa...

Dữ liệu từ Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, từ tháng 10/2017, ông Sen vẫn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hương Sen. Lão doanh nhân SN 1940 nắm giữ 41% tỷ lệ sở hữu. Ngoài ra, bà Lê Thị Báp (SN 1938, vợ ông Sen) nắm giữ 20% tỷ lệ sở hữu. 39% còn lại được chia đều cho 6 người con trai, con gái và con rể của ông Sen.

nhung-lao-doanh-nhan-van-dieu-hanh-doanh-nghiep-o-tuoi-xe-chieu-2-1686480167.jpg
Doanh nhân Trần Văn Sen

Tháng 11/2020, ông Trần Văn Sen mở rộng hệ sinh thái doanh nghiệp bằng việc lập CTCP Bất động sản Hương Sen. Lão doanh nhân Làng Mẹo đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ông Sen nắm giữ 7,5 triệu cổ phần, chiếm 75% vốn.

Cũng trong năm 2020, CTCP TMDV và Đầu tư Toàn cầu Hương Sen ra đời, vốn điều lệ 5 tỷ đồng với người đại diện là Trần Văn Công (con trai ông Sen). Chỉ sau 5 tháng vốn điều lệ công ty này đã tăng lên 100 tỷ đồng, người đại diện pháp luật cũng đổi thành ông Trần Văn Sen cho tới nay.

Nữ đại gia người Mường Bùi Thị Yến

Bà Bùi Thị Yến (SN 1939) được biết đến là nữ đại gia U80 chi hàng trăm tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH Địa ốc T.P. Cổ đông sáng lập ban đầu của T.P. gồm: Bùi Mạnh Hưng (góp 98%), Đàm Lê Minh Hồng (góp 1%) và Đàm Thị Thu Hà (góp 1%).

Tháng 1/2011, T.P. có bước tăng vốn khủng từ 150 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không thay đổi. Trong quá trình 20 năm phát triển, T.P đã có nhiều biến động thăng trầm, nhiều lần đổi chủ sở hữu, song trên thực tế vẫn do một người quản lý.

Tháng 2/2016, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu vốn tại T.P có sự thay đổi. Hai cổ đông Đàm Lê Minh Hồng và Đàm Thị Thu Hà đồng loạt thoái vốn, còn ông Bùi Mạnh Hưng lúc này chỉ nắm 5% vốn điều lệ. Lúc này xuất hiện cổ đông mới là ông Bùi Đại Sa nắm 95% cổ phần của T.P.

Chỉ hai tháng sau, 95% cổ phần được ông Bùi Đại Sa chuyển nhượng lại cho bà Bùi Thị Yến. Thời điểm đó, nữ đại gia người dân tộc Mường chi hơn 617 tỷ đồng chỉ mua lại 95% cổ phần T.P rồi ủy quyền cho chính “chủ cũ” là ông Bùi Mạnh Hưng quản lý. Đến nay vẫn không có nhiều thông tin về bà Yến, chỉ biết bà có cùng địa chỉ thường trú với ông Sa và quê gốc của ông Hưng.

Từ tháng 7/2022, T.P. tăng vốn điều lên 4.093 tỷ đồng. Trong đó, bà Bùi Thị Yến vẫn nắm giữ 95% vốn với 3,89 triệu cổ phần. Ông Hưng chỉ nắm giữ 204,65 triệu cổ phần, chiếm 5% vốn. Dù vậy, ông Hưng vẫn là người điều hành và giữ chức Chủ tịch HĐQT T.P., còn vai trò của bà Yến không được thể hiện.

Lão doanh nhân Nguyễn Quang Kinh

Có lẽ người nhiều tuổi nhất vẫn "chinh chiến" trên thương trường Việt hiện tại là lão doanh nhân Nguyễn Quang Kinh (sinh năm 1933). Tháng 2/2020, ông Kinh thành lập Công ty TNHH Sơn Hải Riverside có địa chỉ tại số 117 Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đây cũng là trụ sở của Tập đoàn Sơn Hải (do ông Nguyễn Viết Hải làm Chủ tịch). Hiện ông Nguyễn Quang Kinh không còn là người đại diện pháp luật nhưng vẫn đảm nhiệm chức Giám đốc công ty.

Dù đã sang tuổi 90, ông Kinh vẫn đảm nhiệm vị trí CEO, người đại diện pháp luật của nhiều công ty như: Công ty TNHH xây dựng và thương mại Nha Trang, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hướng Sơn, Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Cam Lâm, Công ty TNHH khai thác và phục hồi môi trường mỏ đất Nghĩa Ninh, Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Tây Nguyên và Công ty TNHH SXVL & XD Tiến Hóa.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT