Những ngân hàng nào mua lại trái phiếu trước hạn?
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/8, Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại trái phiếu, chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng 76.968 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 695 tỷ đồng trái phiếu tính từ đầu tháng 8 đến ngày công bố thông tin ngày 11/8/2023.
Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/8 là 145.267 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng 76.968 tỷ đồng.
Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, riêng trong quý II/2023 vừa qua đã có đến 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tăng mạnh so với cùng kỳ và cả quý I/2023. Một số ngân hàng đã mua lại lượng lớn trái phiếu có thể kể đến như: BIDV, MSB, TPBank, Techcombank...
Cụ thể, vào cuối tháng 7/2023, BIDV đã thực hiện mua lại cả 3 mã trái phiếu với tổng giá trị là 1.562 tỷ đồng. Thời hạn đáo hạn của 3 mã trái phiếu này là năm 2028.
MSB vừa mua lại 1.000 trái phiếu trái phiếu đang lưu hành của mã MSBL2124005 được phát hành vào ngày 11/8/2021 có thời hạn 3 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng với 1.000 tỷ đồng.
Trong năm 2023, MSB đã liên tục mua lại lượng lớn trái phiếu được phát hành trong năm 2021 và 2022. Nếu chỉ tính riêng trong tháng 6/2023, Ngân hàng này đã 5 lần mua lại các lô trái phiếu của mã MSBL2124003, MSBL2124004, MSBL2225003, MSBL2225003 và MSBL2124004.
Mới đây, VIB thông báo chi 250 tỷ đồng mua lại 2 trái phiếu trước hạn, có kỳ hạn 7 năm.
Tương tự, TPBank đã tổ chức 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 7.500 tỷ đồng, và là ngân hàng mua lại nhiều trái phiếu trước hạn nhất trong quý II.
Techcombank cũng chi mạnh tiền mua lại nhiều trái phiếu trước hạn trong quý II vừa qua, tổng cộng 4 đợt mua lại với giá trị 4.500 tỷ đồng.
HDBank mới mua lại 1.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ngày 11/6/2021 với thời hạn 7 năm.
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 127.816 tỷ đồng. Có 49% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 62.657 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 24.910 tỷ đồng, chiếm 19,5%.
Về phát hành trái phiếu, VBMA cho biết, từ ngày 1/8 đến ngày 11/8 đã có 4 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 2.300 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,8%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 3-5 năm.
Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,8%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 3-5 năm. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/8, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 97.488 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng giá trị phát hành và 76 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 81.012 tỷ đồng, chiếm 83,1%.
Báo cáo của Bộ Tài chính ngày 3/8 về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, từ đầu năm đến 28/7, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62.300 tỷ đồng, giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản (chiếm 54,2%), tiếp đến là tổ chức tín dụng (chiếm 31,6%). Có 60,5% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh thị trường biến động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn, khối lượng mua lại trước hạn là 135.300 tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2022.