Những 'ông lớn' đổ hàng trăm triệu USD vào Việt Nam sản xuất linh kiện máy bay, thu về hàng nghìn tỷ: Từ thiết bị điều khiển, cửa, cánh máy bay cho đến động cơ

Nhà máy sản xuất động cơ máy bay đầu tiên của Việt Nam mới đây thông báo doanh thu đạt hơn 3.400 tỷ đồng trong năm 2023 và có kế hoạch nâng vốn đầu tư từ 200 triệu USD lên 260 triệu USD.

Năm 1997, Tập đoàn Meggitt (Paris) đầu tư vào Đồng Nai bằng việc thành lập Công ty TNHH Meggitt Việt Nam (Công ty TNHH Artus Vietnam) – công ty đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam khi đó chuyên sản xuất các loại biến áp, thiết bị điều khiển cho ngành hàng không và sửa chữa các thiết bị hàng không. Vốn đăng ký ban đầu là 17 triệu USD.

Trong một bài phỏng vấn từ năm 2005, ông Trần Quang Hùng (Paul Trần) – Tổng giám đốc cho biết, Artus Vietnam mua nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất rồi xuất khẩu về công ty mẹ hoặc đối tác, sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác (tại Pháp và Mỹ). Sản phẩm được kiểm định ngay tại Việt Nam và cả ở Pháp với một quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế.

Khách hàng lớn nhất là Airbus và Artus Vietnam bắt đầu sản xuất biến thế cho máy bay A380 từ tháng 9/2004, theo đơn đặt hàng của đối tác.

Để đáp ứng các đơn đặt hàng lớn, Meggit Việt Nam mở rộng công suất gấp đôi với việc khai trương Nhà máy sản xuất thiết bị máy bay vào năm 2018.

Những 'ông lớn' đổ hàng trăm triệu USD vào Việt Nam sản xuất linh kiện máy bay, thu về hàng nghìn tỷ: Từ thiết bị điều khiển, cửa, cánh máy bay cho đến động cơ- Ảnh 1.

Khai trương Nhà máy sản xuất thiết bị máy bay tại Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 vào năm 2018


Nhiều năm sau sự xuất hiện của Artus Vietnam, Việt Nam bắt đầu thu hút ngày càng nhiều các "đại bàng" đổ bộ vào lĩnh vực linh kiện máy bay, trên đà trở thành cứ điểm sản xuất của thế giới.

Với mảng sản xuất động cơ máy bay, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã thành lập Công ty TNHH Hanwha Aero Engines đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là nhà máy sản xuất động cơ máy bay đầu tiên tại Việt Nam, với mức đầu tư trên 200 triệu USD và có kế hoạch mở rộng lên 260 triệu USD. Nhà máy được đầu tư qua 2 giai đoạn và đã đi vào hoạt động, tạo ra doanh thu 140 triệu USD (hơn 3.400 tỷ đồng) trong năm 2023. Nhà máy của Hanwha nhận được rất nhiều kỳ vọng, bởi việc sản xuất được động cơ máy bay sẽ là bước tiến lớn cho ngành công nghiệp chế tạo của nước ta.

Bên cạnh doanh nghiệp của Hàn Quốc, cũng đã có những tập đoàn lớn khác đã và đang có ý định đầu tư về ngành công nghiệp này tại Việt Nam, có thể kể tới Mitsubishi, Universal Alloy Corporation (UAC), Airbus…

Mitsubishi là cái tên thứ 2 sau Artus Vietnam và là tập đoàn công nghiệp lớn đầu tiên đặt nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam. Năm 2007, thông qua công ty con là MHI Aerospace Việt Nam, tập đoàn đã đầu tư một nhà máy tại khu công nghiệp Thăng Long với số vốn ban đầu vào khoảng 7 triệu USD trên diện tích 19 héc ta đất. Nhà máy có chức năng sửa chữa, sản xuất và gia công cánh máy bay cùng một số linh kiện khác và được đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 6/2009.

photo-1708398608775

Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay của Mitsubishi tại Việt Nam (Ảnh: SPS)

Bên cạnh Mitsubishi, một doanh nghiệp Nhật Bản khác là Nikkiso cũng xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy bay – trong đó chủ yếu là cửa bằng các hợp chất sợi cácbon. Nhà máy của Nikkiso Việt Nam được đặt tại tỉnh Hưng Yên với tổng diện tích vào khoảng 28,5 héc ta; số lượng nhà máy được nâng lên con số 5 vào năm 2017. 

Ban đầu, các nhà máy của Nikkiso tại Việt Nam chủ yếu sản xuất cho máy bay Boeing 777, tuy nhiên sau đó họ còn phục vụ cho nhiều hãng khác, đáng kể nhất là Airbus. Kể từ năm 2014, một số bộ phận trong máy bay của hãng sản xuất tới từ châu Âu được Nikkiso gia công tại các nhà máy ở Việt Nam. Nikkiso là đối tác cung cấp linh kiện chiến lược trong những năm vừa qua cho Airbus, đặc biệt đối với dòng máy bay A320 được bán rất chạy.

photo-1708398688017

Nhà máy sản xuất của Nikkiso (Ảnh: Khu CN Thăng Long II)

Năm 2022, tập đoàn UAC của Mỹ trở thành doanh nghiệp tiếp theo đầu tư vào nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam thông qua công ty con tại Đà Nẵng. Tổng số vốn đầu tư của dự án là 170 triệu USD và đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 3/2020 với diện tích lên tới 170 héc ta. 

Nhà máy có công suất gần 12.500 tấn thành phẩm mỗi năm, cung cấp linh kiện cho hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus, với đa dạng các dòng sản phẩm từ Boeing 787, 777 tới Airbus A350, A330, A320.... Thành phẩm từ nhà máy được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như châu Âu, Mỹ và Malaysia…

UAC còn dự kiến sản xuất cả động cơ cho Rolls Royce tại Việt Nam. Tập đoàn từng cho biết đặt mục tiêu xuất khẩu 25 triệu USD vào năm 2021, 82 triệu USD vào năm 2022 và hơn 180 triệu USD vào năm 2026.

photo-1708398761055

Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay của UAC (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng)

Mới đây nhất, công ty KP Aero của Hàn Quốc cũng công bố thông tin sẽ đầu tư 20 triệu USD vào việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhằm cung cấp linh kiện máy bay cho Boeing tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Airbus cũng bày tỏ về việc mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam thông qua một đối tác, do nhu cầu tăng cao của hãng này đối với các bộ phận máy bay.

Về phía doanh nghiệp Việt, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC), có trụ sở tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) từng được Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét giới thiệu với Airbus trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hàng không tại Việt Nam.

Tiến Đạt

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT