NIC ký MoU với ba tổ chức đầu tư mạo hiểm hàng đầu châu Á, quản lý tài sản tới 5.000 tỷ USD
Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (VIPCS) 2025, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tổ chức Phát triển Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam (VPCA) đã ký kết loạt Biên bản ghi nhớ (MoU) song phương với ba hiệp hội đầu tư mạo hiểm hàng đầu châu Á, quản lý tổng tài sản khoảng 5.000 tỷ USD.
Ngày 22/4, Diễn đàn đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIPCS) 2025 với chủ đề: "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - thuộc Bộ Tài chính tổ chức đã quy tụ hơn 1.000 đại biểu và hàng trăm nhà đầu tư tới từ châu Á, châu Âu và khu vực Vùng Vịnh.
Tại sự kiện này, Báo cáo “Đầu tư Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam 2025” do NIC, Tổ chức Phát triển Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam (VPCA) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) phối hợp thực hiện đã chính thức được công bố.
Với dung lượng hơn 100 trang, báo cáo đã đưa ra một bức tranh khá toàn diện về nền kinh tế đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn tăng trưởng mới - nơi đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ trở thành trọng tâm trong việc kiến tạo tương lai đất nước.

Báo cáo “Đầu tư Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam 2025”.
Năm 2024, bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt, hoạt động Đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân, thông qua qua 141 thương vụ.
Mức độ sôi động của các thương vụ, được hỗ trợ bởi các yếu tố nền tảng vững chắc, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân toàn cầu suy yếu.
Trong đó, vốn đầu tư vào các lĩnh vực như AI, AgriTech, và Green Tech tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư với các ngành công nghệ cao nhờ quá trình số hóa, xu hướng phát triển bền vững, và sự hỗ trợ của chính phủ.
Cụ thể, trong năm ngoái, tổng vốn đầu tư cho các startup AI đã tăng lên 80 triệu USD, tương đương mức tăng gấp 8 lần (so với 10 triệu USD năm 2023). Với AgriTech, tổng vốn đầu tư cũng tăng gấp 9 lần, từ 8 triệu USD vào năm 2023 lên đến 74 triệu USD...

Theo Báo cáo “Đầu tư Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam 2025”.
Nhóm chuyên gia nhận định, Việt Nam đang dẫn đầu cuộc cách mạng số và AI tại châu Á. Theo đó, nền kinh tế số của Việt Nam đã đạt 36 tỷ USD và dự kiến duy trì mức tăng trưởng hai con số.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ (Nghị quyết 57), dòng vốn đầu tư tư nhân, cùng nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam đang trên đà trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai ở Đông Nam Á, đóng góp 30% GDP trong tương lai gần.

Theo Báo cáo “Đầu tư Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam 2025”.
Tại sự kiện, chia sẻ với các đại biểu và nhà đầu tư quốc tế, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết Chính phủ Việt Nam đã hoạch định một lộ trình chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng, với Quy hoạch Tổng thể Quốc gia 2021–2030 và Nghị quyết số 57, tập trung vào các trụ cột kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ cao.
Theo đó, từ cải cách thị trường vốn đến định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khung pháp lý cho công nghệ chuỗi khối, hạ tầng tài chính Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Những cải cách này tạo điều kiện thuận lợi cho các lối thoát vốn minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài và hướng tới xếp hạng tín nhiệm đầu tư trong tương lai gần.
Đồng thời, Việt Nam đang trong chu kỳ đầu tư hạ tầng quy mô lớn với gần 500 tỷ USD vốn FDI đang được triển khai, bao gồm các dự án chiến lược từ Samsung, Intel, Lego và Foxconn. Việt Nam không chỉ là công xưởng sản xuất – mà đang trở thành một mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam ngày nay gắn chặt với chiến lược đổi mới sáng tạo. Chúng tôi không chỉ đầu tư vào hạ tầng vật chất mà còn xây dựng những hệ sinh thái sẵn sàng cho tương lai – nơi hội tụ tài năng số, công nghệ sâu và nguồn vốn quốc tế. Đây là thời điểm quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo linh hoạt hàng đầu châu Á”, ông Huy nói.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ VIPCS 2025, bên cạnh diễn đàn và các phiên thảo luận chuyên đề/chuyên sâu, NIC và VPCA đã ký kết loạt Biên bản Ghi nhớ (MoU) song phương với ba hiệp hội đầu tư hàng đầu châu Á gồm: Hiệp hội Đầu tư Mạo hiểm Hàn Quốc (KVCA), Hiệp hội Đầu tư Mạo hiểm và Tư nhân Singapore (SVCA) và Hiệp hội Đầu tư Mạo hiểm và Tư nhân Hồng Kông (Trung Quốc) (HKVCA).
Được biết, ba tổ chức này hiện đang quản lý tổng tài sản khoảng 5.000 tỷ USD. Tại Việt Nam, đây cũng là lần đầu tiên các tổ chức vốn tư nhân lớn của châu Á chính thức liên kết để tạo nên một khối đầu tư khu vực với mục tiêu chung và hành động phối hợp.
Bản MoU được ký kết với 4 điều khoản, cam kết chính gồm: Thúc đẩy cơ hội đồng đầu tư giữa các thị trường Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) (1); Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng và luân chuyển nhân tài (2); Tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo, sự kiện và đối thoại chính sách (3). Cuối cùng là Khởi xướng các chương trình vận động chính sách chung nhằm hài hòa các tiêu chuẩn pháp lý (4).

Theo ông ông Max-F. Scheichenost, Thành viên hội đồng quản trị của VPCA:“Biên bản này đánh dấu một kỷ nguyên mới cho sự hội tụ của hệ sinh thái vốn tư nhân châu Á – dựa trên nền tảng của niềm tin, tôn trọng, hợp tác khu vực và tăng trưởng bền vững. Và tại trung tâm của làn sóng đó – là Việt Nam”.
Còn theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA và Giám đốc quỹ Do Ventures: “Sáng kiến này sẽ đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ sinh thái và mở rộng nguồn vốn lên gấp nhiều lần trong những năm tới. Đây là một cánh cửa mới cho startup Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho các nhà đầu tư tại châu Á dẫn dắt nguồn vốn tư nhân trong khu vực".
Bà Uyên Vy cho rằng Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá. Hiện là thập kỷ định hình tương lai của Việt Nam. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Việt Nam sẽ nổi lên như một điểm đến cho tăng trưởng bền vững, đổi mới sáng tạo từ gốc và những chính sách tiên phong. Đặc biệt, đổi mới sáng tạo và vốn tư nhân sẽ là động lực cho mục tiêu đạt được nền kinh tế 1.100 tỷ USD vào năm 2035...
Tuấn Việt